Tại mittinh nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, ngày 4/10, hai Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố 67 người chết do bệnh dại từ đầu năm đến nay. Số liệu này tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết phòng bệnh bằng vắcxin dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa dại. Bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng bệnh của người dân, ngành y tế cần tăng số điểm tiêm vắcxin, tăng tỷ lệ tiêm vắcxin dại cho đàn chó.
Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Thời gian ủ bệnh thường 1-3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc lâu tới vài năm.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh dại khi đã có triệu chứng (lên cơn dại) thì bệnh nhân chắc chắn tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng bằng cách tiêm vắcxin.
Trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết, bạn thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm văcxin phòng dại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, chế biến thực phẩm, trẻ dưới 15 tuổi thường rong chơi và hay tiếp xúc gần gũi với chó mèo... nên tiêm văcxin phòng bệnh dại.