Số tử vong do dại từ đầu năm đến nay tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó số tử vong nhiều nhất là ở tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang 5 và Gia Lai 4 ca, theo báo cáo của cơ quan thú y và y tế địa phương, công bố tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại, diễn ra ngày 27/9. Gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, hằng năm ghi nhận những trường hợp tử vong do bệnh dại đều vì chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh sau khi bị chó cắn. Năm 2017-2018, thành phố còn ghi nhận các ổ dịch dại trên động vật tại quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai. Năm 2020-2021 ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại tại hai quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có một người ở huyện Phú Xuyên tử vong vì chủ quan không đi tiêm phòng dại.
"Bệnh dại xảy ra ở bất cứ đâu chứ không chỉ nông thôn, khi ta chủ quan trong công tác phòng, chống", ông Cương nói.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Việt Nam trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Hàng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.
Từ thực tế này, Chính phủ đặt mục tiêu "Không có người chết vì bệnh dại từ năm 2030". Để thực hiện mục tiêu này, ngành y tế khuyến cáo người dân xử lý ngay vết thương khi bị chó, mèo cắn và đến cơ sở y tế để tiêm phòng kịp thời.
Sáu tháng đầu năm, tổng đàn chó cả nước là gần 7 triệu con, tỷ lệ chó được tiêm phòng trung bình đạt khoảng 40% tổng đàn. Chỉ 13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng dại trên 70% tổng đàn chó.
Chó mắc bệnh dại chủ yếu là không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vaccine dại. Vì vậy, người dân được khuyến cáo tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi, không thả rông và phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chúng. Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vaccine nhằm củng cố miễn dịch lâu dài.
Biểu hiện của bệnh dại là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. "Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc, cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó mèo cắn", ông Cương nói.