Thứ hai, 27/12/2021, 00:00 (GMT+7)

9 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2021

Đại hội Đảng lần thứ XIII; Việt Nam đối mặt làn sóng Covid-19 lần thứ tư; chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; xuất nhập khẩu lập kỷ lục 600 tỷ USD... là những sự kiện nổi bật năm 2021.

Bầu lãnh đạo cấp cao

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra hồi cuối tháng 1, đã bầu một lần đủ 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương; trong đó 60% tái cử và 40% tham gia lần đầu.

10 trường hợp "đặc biệt" được giới thiệu và đều trúng cử vào Trung ương khóa mới, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư với số phiếu tập trung rất cao. Phát biểu bế mạc Đại hội XIII, ông nhấn mạnh phải đưa nghị quyết thành hiện thực sinh động, "có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội".

Từ trái qua: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Giang Huy

Gần nửa năm sau, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay với tỷ lệ cử tri đi bầu 99,6% (gần 70 triệu người).

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, với 499 đại biểu đã bầu tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, 45 tuổi, là thành viên trẻ nhất. Chính phủ khóa này có hai thành viên nữ, gồm Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Các chức danh lãnh đạo Quốc hội khóa XV gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Thường vụ. Trong đó, ông Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội thứ 12 của Việt Nam kể từ năm 1946.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư

Một năm chống dịch tại Việt Nam
 
 
2021 - năm chống dịch khó quên của Việt Nam. Video: Hoàng Khánh

Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu ngày 27/4, khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính Covid-19 là nam lễ tân khách sạn tại Yên Bái. Giai đoạn đầu, dịch bùng mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công chủ yếu các khu công nghiệp rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh thành, trở thành đợt dịch khốc liệt nhất kể từ khi Covid-19 xâm nhập.

Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23/12). Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước.

Chủng Delta chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, nguy hiểm hơn các chủng trước, thời gian ủ bệnh ngắn, phát tán nhanh, khiến bệnh nhân tăng theo cấp số nhân.

TP HCM ghi nhận ca nhiễm muộn hơn, khoảng cuối tháng 5, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Các ổ dịch cộng đồng liên tục xuất hiện do dịch đã "thấm sâu" nhiều chu kỳ. Hơn 70% số ca tử vong cả nước tập trung ở đây. Thành phố trải qua những ngày "đau thương, mất mát rất lớn, chưa từng có trong lịch sử", như lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.

Cả nước cũng thực hiện cuộc điều động chưa từng có sau chiến tranh với 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an... vào Nam hỗ trợ chống dịch. Nhiều biện pháp lần đầu tiên được áp dụng như xét nghiệm toàn thành phố; mở hàng loạt bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức; điều trị F0 tại nhà...

Đến tháng 10, dịch dần được kiềm chế. Nhìn lại 5 tháng khốc liệt, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Việt Nam đã vượt qua giai đoạn đen tối với sự hy sinh của người dân, lực lượng y tế lớn không kể xiết". Quá trình dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt cũng khiến đầu tàu kinh tế phía Nam tổn thương nặng nề.

Xác định "không thể cách ly, phong tỏa mãi", ngày 11/10, Việt Nam chuyển hướng chiến lược bằng Nghị quyết 128 về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Không theo đuổi "zero Covid" như giai đoạn trước, chiến lược mới đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Ngày 8/3, sau hơn một năm dịch bệnh xâm nhập, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, với mục tiêu phủ hai mũi vaccine cho 70% người dân trên 18 tuổi trong năm 2021, tương đương khoảng 50 triệu người. Việt Nam từng thành công với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vaccine sởi - rubella cho trẻ em. Song, lần này quy mô và tốc độ rất khác biệt.

Mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.

Chiến lược ngoại giao vaccine đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, đóng góp vào thành công của chiến dịch tiêm chủng. "Từ nước tiếp cận vaccine Covid-19 chậm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị ngoại giao giữa tháng 12.

Người dân tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), TP HCM, ngày 24/6. Ảnh: Hữu Khoa
Đến 23/12, cả nước đã tiêm được tổng cộng 143 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó mũi một là 76,6 triệu, mũi hai là 64,8 triệu. Chứng nhận tiêm chủng Covid được cập nhật trên ứng dụng điện thoại như một loại giấy thông hành để người dân tham gia các hoạt động xã hội.

Tiêm chủng là một trụ cột trong chiến lược "thích ứng an toàn", được cụ thể hoá bằng công thức "5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân".

GDP quý lần đầu tăng trưởng âm

Đầu năm, các tổ chức quốc tế dự báo GDP năm nay tăng trưởng 7,5-7,8%. Con số này được đánh giá "hợp lý" dựa trên mức nền khiêm tốn của năm ngoái (GDP chỉ tăng 2,91%, thấp nhất một thập kỷ), cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Thế nhưng, hai đợt dịch bùng phát vào đầu và giữa năm đã khiến mọi dự báo trở thành bất khả thi. Hàng loạt xí nghiệp, nhà máy, công trường tạm dừng hoạt động để phòng dịch và sức mua giảm mạnh khiến GDP quý III giảm 6,17%.

GDP tăng trưởng theo quý.

Đây là lần đầu tiên GDP quý tăng trưởng âm từ khi Việt Nam tính toán chỉ số này. Tính chung chín tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42% và trong kịch bản tích cực nhất những tháng cuối năm thì chỉ số cũng chỉ tăng 3,5%.

Những đợt "sóng thần" Covid-19 qua đi không chỉ để lại những kỷ lục buồn về tăng trưởng mà còn giáng đòn nặng vào sức khoẻ doanh nghiệp và sinh kế người lao động. Hết tháng 11 đã có hơn 106.000 doanh nghiệp không thể cầm cự, phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Tỷ lệ thất nghiệp được đẩy lên 3,98%, cao nhất trong 10 năm và vượt xa những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế.

Tỷ lệ và số người thất nghiệp.

Đảng đẩy mạnh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị

Sau 8 năm hoạt động, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, cuối tháng 9.

Ban gồm 18 thành viên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý hai loại vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thứ nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng. Thứ hai, các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, phân tích đây là lần đầu tiên Đảng đưa việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thành một nhiệm vụ cụ thể, và giao nhiệm vụ này cho Ban chỉ đạo. "Điều này thể hiện quyết tâm mới trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng", ông Hùng nói.

22 triệu học sinh, sinh viên không được đến trường

Ngành giáo dục, như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trải qua một năm bị Covid-19 "đảo lộn và tàn phá". Phần lớn trong số 22 triệu học sinh - sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng, nghỉ hè 3 tháng và học online 7 tháng còn lại.

Covid-19 thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay phải sử dụng nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho lớp 1 đến thực hành của sinh viên đều tiến hành online, qua livestream, video mô phỏng. Khối trẻ mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Học sinh Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, Hà Nội dự lễ khai giảng online hôm 5/9. Ảnh: Bùi Bích Phương

Hoạt động thi cử, tuyển sinh phải điều chỉnh cả cách thức lẫn tiêu chí. Các đợt đánh giá định kỳ, thậm chí tuyển sinh lớp 6, lớp 10 ở nhiều tỉnh thành diễn ra trực tuyến, ít nhiều ảnh hưởng đến tính công bằng và hiệu quả xét tuyển.

Ở quy mô toàn quốc, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thành hai đợt. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.

Đại dịch trở thành cuộc sát hạch năng lực ngành giáo dục, làm bộc lộ bất cập cả về cơ sở hạ tầng, công nghệ lẫn chất lượng nhân sự. Gần 1,9 triệu học sinh thiếu thiết bị tối thiểu để học online; hàng triệu em khác học trong điều kiện nghẽn mạng, trục trặc phần mềm. Nhiều giáo viên hạn chế về trình độ, kỹ năng làm chủ công nghệ... Tất cả những nguyên nhân này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Bộ thừa nhận "dạy trực tuyến không thể đòi hỏi hiệu quả như trực tiếp".

Nhưng Covid-19 cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới. Bộ nhiều lần điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải, chỉ giữ lại nội dung cốt lõi. Nhiều trường đổi mới cách ra đề, cách thi, linh hoạt trong đánh giá học sinh. Mặt bằng trình độ công nghệ của giáo viên cả nước được cải thiện.

Xa hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo tính đến việc chuyển đổi số, xây dựng nền tảng học trực tuyến tầm quốc gia với kho học liệu lớn. Bộ sẽ nghiên cứu pháp chế hóa quy định, hướng dẫn, nhằm chuẩn bị cho khả năng đa dạng hóa hình thức đào tạo, như cách thế giới đang hướng đến.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục

Theo thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hoá cả nước đạt 301,73 tỷ USD và nhập khẩu đạt 300,27 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh mới khi đạt 602 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm ngoái dù chưa có số liệu tháng cuối năm.

Sau gần nửa năm trầm lắng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại từ tháng 9. Đến nay có 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thuỷ sản.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 2021.

Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, chuỗi cung ứng dần toàn cầu hồi phục dần sau dịch và nhu cầu của các thị trường tăng trở lại là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm. Tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài gần nửa năm nhờ đó được chấm dứt.

Ở chiều nhập khẩu, có 5 nhóm hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD. Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tiếp tục là những bạn hàng lớn nhất của doanh nghiệp Việt.

Bộ Công Thương dự đoán kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm chạm mức 660 tỷ USD, tức có thêm 58 tỷ USD trong tháng cuối năm và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại

Sáng 6/11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, mức đầu tư gần 870 triệu USD vận hành thương mại sau đúng 10 năm khởi công. Đây là mắt xích đầu tiên của mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội và cũng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động, với kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông và tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Người dân Hà Nội trải nghiệm dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Chiểu

Trong 15 ngày chạy miễn phí, đã có trên 380.000 lượt khách đi tàu. Lượng khách giảm dần khi bán vé.

Sau những tín hiệu tích cực ban đầu, tuyến tàu điện bộc lộ bất cập khi chưa thể kết nối với các hệ thống vận tải công cộng khác, chưa thể trở thành cú hích mạnh mẽ để người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. Với tốc độ như hiện nay, cần 8-10 năm để hoàn thiện một tuyến đường sắt, do vậy TP Hà Nội phải có giải pháp đột phá mới có thể hiện thực hóa quy hoạch này.

Sau tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được dự kiến đưa 8,5 km đoạn trên cao vào hoạt động cuối năm 2022.

8 tuyến metro 40 tỷ đô ở Hà Nội được hình thành như thế nào?
 
 
Hướng đi của 8 tuyến metro 40 tỷ USD ở Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành - Bá Đô

Người lao động di cư khỏi thành phố

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các địa phương như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... nhiều năm nay là nơi lập nghiệp, mưu sinh của hàng triệu người dân khắp cả nước. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh ở các đô thị này, chính quyền thực hiện giãn cách xã hội suốt 4 tháng liền đã ảnh hưởng phần lớn người dân. Nhiều tháng phải ở nhà, không có thu nhập, cả triệu người quyết định "hồi hương" vì "không còn khả năng trụ lại". Trong đó, nhiều gia đình vượt cả nghìn km bằng xe máy, hoặc đi bộ để về quê.

Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Những con số này chưa tính dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đây chính là cao điểm của làn sóng hồi hương, chỉ trong vài ngày, hàng trăm nghìn người lũ lượt rời các đô thị lớn bằng xe máy để về quê, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây.

Người dân đi xe máy từ TP HCM về các tỉnh phía Bắc qua địa bàn Thừa Thiên Huế được cảnh sát giao thông dẫn đường, tháng 8/2021. Ảnh: Võ Thạnh

Làn sóng hồi hương hiếm có trong lịch sử đã đặt ra nhiều bài toán lớn cho các nhà quản lý, nhất là bài toán an sinh xã hội và phân bố lao động. Ngoài bảo đảm việc làm, các đô thị lớn, nhiều khu công nghiệp cần có chiến lược bài bản chăm lo đời sống, đào tạo nghề, nơi lưu trú... để giữ chân lao động.

VnExpress