Chiều 30/10, ông Đặng Văn Dũng, Phó ban Nội chính Trung ương, đã cho biết nội dung trên tại cuộc họp báo công bố kết quả họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Danh tính người liên quan chưa được công bố.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Phó ban Nội chính Trung ương, cho biết thêm thời gian tới Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan quyết liệt vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng. Do gặp khó khăn bởi có người bỏ trốn lâu, nhà chức trách đang phối hợp với các nước để truy bắt, dẫn độ.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp như dẫn độ tội phạm, hợp tác quốc tế, ngoại giao và nhiều kênh khác để truy bắt người bỏ trốn. Với từng trường hợp, Bộ Công an sẽ có phương cách riêng.
Ông Tuyên cũng kêu gọi cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và những người bỏ trốn khác sớm về đầu thú để hưởng khoan hồng. "Người bỏ trốn sẽ vẫn bị xét xử theo quy định pháp luật và không có điều kiện tự bảo vệ mình", ông Tuyên nói.
Theo ông Dũng, sáng nay tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ. Nhiều vấn đề chuyển biến rõ nét, nhất là việc khắc phục khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiều kết luận giám định, định giá tài sản.
Liên quan tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, đến nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành 5/8 cuộc kiểm tra và chỉ đạo 13 địa phương rà soát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với cấp ủy, tổ chức đảng liên quan; trong đó có 58 tổ chức đảng, 86 đảng viên, 17 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật.
Với vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, 8 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị khởi tố, trong đó có 4 Bí thư, nguyên Bí thư; 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh.
Ban Chỉ đạo đánh giá công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án thuộc diện theo dõi đạt nhiều kết quả. Điển hình, vụ án tại Phúc Sơn đã tạm giữ tiền, tài sản 320 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, 534 lượng vàng và 1.444 sổ đỏ; vụ án liên quan đến quy hoạch điện 7 đã tạm giữ hơn 2.300 tỷ đồng; vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil tạm giữ 1.100 tỷ đồng, hơn 490.000 USD.
Việc thi hành án dân sự đã thu hồi gần 19.000 tỷ đồng. Các cơ quan có thẩm quyền đã đề xuất giải pháp xử lý tài sản, vật chứng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; sớm giải tỏa tài sản, tránh thất thoát, lãng phí, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Từ giữa tháng 8 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 734 vụ án với 1.681 bị can; xét xử sơ thẩm 1.002 vụ án với 2.703 bị cáo về tội tham nhũng, kinh tế. Riêng về các tội tham nhũng, đã khởi tố mới 240 vụ án với 604 bị can.
Thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu vừa đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, vừa đẩy mạnh phòng chống lãng phí. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực phải gắn với phòng chống lãng phí, có vị trí tương đương. Trước mắt, các cơ quan cần rà soát, xử lý dứt điểm các dự án quan trọng quốc gia, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức 2 tại Hà Nam; dự án chống ngập tại TP HCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa kết nối, vận hành.