Đổ bộ Thừa Thiên Huế rạng sáng 26/9, áp thấp nhiệt đới gây mưa lần lượt cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Đến ngày 28/9, mưa lớn mở rộng tới đồng bằng và một số tỉnh miền núi Bắc Bộ. Lũ các sông Đáy (Hà Nam), Hoàng Long (Ninh Bình), Thao (Yên Bái), Bưởi (Thanh Hóa) và sông Cả (Nghệ An) đã đạt đỉnh ở ngưỡng báo động hai và đang xuống.
Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đến ngày 30/9 cho thấy mưa lũ đã làm 9 người chết (Thanh Hóa 3, Sơn La 2, Quảng Trị, Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An mỗi tỉnh một người). Một người ở Sơn La, một người ở Bình Phước bị nước cuốn trôi. 10 người ở Thừa Thiên Huế và Nghệ An bị thương.

Nước lũ ở xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, sáng 27/9. Ảnh: Xuân Hoa
Mưa lũ cũng làm hơn 26.000 ha lúa, 17.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại, tập trung ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Hơn 240 điểm đường bị sạt lở, gây ách tắc với khối lượng 31.000 m3 đất đá. Hiện giao thông qua các điểm này đã được khắc phục.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hôm nay miền Bắc chỉ còn mưa cục bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục mưa giông, một số nơi mưa to. Đêm nay và ngày mai, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa giông, một số nơi mưa trên 70 mm, chủ yếu vào chiều tối.
Dự báo tháng 10, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C. Khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Các đợt mưa to có thể tiếp tục xảy ra tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.