"Hai bạn biển đi chung tàu đã nằm lại biển khơi. Tới giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn", thuyền trưởng Nguyễn Văn Nở, 26 tuổi, ở xóm Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nói khi vừa được đưa về nhà sáng 28/11.
Bốn tuần trước, tối 1/11, tàu chở Nở cùng 10 thuyền viên bị sóng lớn đánh lật ở khu vực cách đảo Sơn Ca hơn 20 km. Chín người bám được theo tàu, trôi dạt vào bãi An Nhơn, cách điểm bị nạn gần 2 km. Đây là rạn san hô đường kính khoảng 1,4 km, rộng 60 ha, giữa bãi có một cồn cát nhỏ. Cả nhóm bơi vào cồn cát nhưng không có lương thực và chỉ giữ được khoảng 1,5 lít nước đựng trong hai chai.
Thuyền trưởng Nở kể những ngày sau đó, nhóm phân công nhau, người ốm thì nghỉ ngơi, người mạnh đi tìm quanh cồn cát để kiếm thức ăn, song nơi đây không có gì ngoài những con ốc nhỏ. Mọi người phải chia nhau ăn sống. Khi khát quá, mỗi người chỉ nhấm một ít nước cho đỡ khô họng, chờ người ứng cứu. "Tối đến, cồn cát nổi trên mặt nước rộng khoảng 50 m2. Chín người nằm cạnh nhau cho đỡ lạnh. Mỗi khi biển động, sóng đánh qua đầu", Nở nhớ lại.
Đến ngày thứ tư, trên cồn cát có mưa lớn. Các ngư dân tìm được một can nhựa lớn trôi theo tàu dùng hứng nước để tiếp tục cầm cự vì không biết khi nào mới có tàu đi ngang. Điều may mắn đến với 9 ngư dân khi sáng 6/11, tàu của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hòa, 34 tuổi (cùng quê ở xã Bình Châu) đi qua. Mừng rỡ vì có thể được cứu sống, cả nhóm đứng trên cồn cát dốc sức gọi, vẫy tay ra hiệu.
Do tàu cứu nạn không thể vào gần cồn cát, thuyền trưởng Hoà dùng thuyền thúng tiếp cận, chia ngư dân thành hai tốp, đưa lên tàu. Lúc này 9 người đều đói lả, mê sảng. "Chúng tôi nấu cháo trắng đút cho từng người ăn vì họ đều rất yếu, không thể đứng nổi sau 5 ngày cầm cự", anh Hoà kể.
Sau khi trình báo sự việc với cơ quan chức năng, thuyền trưởng Hoà cho tàu chạy hướng về đảo Sơn Ca, nhưng biển động phải mất khoảng 7 giờ mới đến nơi. Tại đảo, các ngư dân được hải quân tiếp nhận, chăm sóc y tế. 4 người trong nhóm phải truyền nước vì quá yếu.
Thuyền trưởng Hoà sau đó cùng một tàu cá khác trở lại khu vựa bãi An Nhơn tìm hai ngư dân mất tích nhưng không thấy nên tiếp tục đánh bắt và vừa trở về cách đây gần một tuần. Còn 9 thuyền viên bị nạn ở lại đảo Sơn Ca gần một tháng chờ sức khoẻ phục hồi. Hôm 27/11, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã đưa các ngư dân về TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, họ được cơ quan chức năng đưa về quê nhà ở Quảng Ngãi.
"Con tàu trị giá đến 3 tỷ đồng mới đóng vài năm trước đã bị chìm. Sắp tới tôi lấy tiền bảo hiểm và mong được hỗ trợ sắm lại tàu mới để tiếp tục ra biển đánh cá", anh Nở nói.
Ông Bùi Hồng Vân, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết ngư dân của xã chuyên nghề lặn đêm với hàng trăm tàu cá. Chủ tàu rủ bạn thuyền từ địa phương và các tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đánh bắt chủ yếu ở biển Trường Sa và Hoàng Sa. Họ thường hỗ trợ nhau khi hoạn nạn.
Theo ông Vân, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hòa, cũng đã cứu nhiều người trên tàu bị cháy năm 2018 và tàu bị hư chân vịt tháng 3 vừa qua. Bản thân anh Hoà cũng từng được các thuyền viên cùng xóm cứu khi tàu bị chìm năm 2014.