Ông Đỗ Văn Giang, Phó giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, tình trạng sức khỏe của hơn 30 nạn nhân trong vụ sập cầu treo ở bản Chu Va đã có những dấu hiệu tích cực, 28 ca nặng đều qua cơn nguy kịch.
Sáng 26/2, còn 9 nạn nhân chờ mổ, phần lớn là những trường hợp chấn thương cột sống, chấn thương đùi, do thiếu dụng cụ mổ và nẹp vít. Trước mắt, các bác sĩ sẽ phẫu thuật cho anh Chang A Cả (38 tuổi) bị gãy kín 1/3 giữa xương đùi, xương bánh chè trái và anh Phạm Văn Hiếu (33 tuổi, phó chủ tịch xã Sơn Bình) bị chấn thương sọ não và hàm mặt tại khoa gây mê phẫu thuật.
"Các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ được huy động tối đa để cố gắng phẫu thuật được nhiều nhất cho các nạn nhân", Phó giám đốc Sở Y tế Lai Châu nói.
Bác sĩ Đào Xuân Cơ - trưởng nhóm bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, các bệnh nhân nặng phần lớn là gãy xương đùi, có 3 người bị chấn thương cột sống, một số bị chấn thương sọ não. "Các trường hợp bị đa chấn thương sẽ được sàng lọc bằng siêu âm và chẩn đoán hình ảnh để không bỏ sót chấn thương nội tạng".
Hai ngày sau vụ sập cầu, hàng chục dân quân, bộ đội huyện Tam Đường bắt tay vào xây dựng cầu tạm, cạnh cầu vừa bị sập để phục vụ việc đi lại.
Trao đổi với VnExpress, ông Tạ Tấn Vĩnh, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lai Châu cho biết, Sở đã giao huyện Tam Đường làm một cây cầu tạm bằng tre, nứa, đắp đất đá hai đầu cho xe máy, xe đạp và người đi bộ không phải lội qua suối.
Trước đó, 8h30 sáng 24/2, đoàn người đưa tang đang qua cầu treo nối bản Chu Va 8 với Chu Va 6 ở xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) thì bất ngờ cầu đứt cáp. Hơn 40 người rơi xuống suối, 8 người chết và 33 người khác bị thương.
Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường nhận định, nguyên nhân vụ việc là do số người qua cầu quá đông cùng một lúc, khiến ốc neo tăng đơ của dây cáp bị đứt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cầu đường, tải trọng không phải là nguyên nhân dẫn đến vụ sập cầu treo Chu Va (Lai Châu) mà là do chất lượng ốc neo không đảm bảo.
Bá Đô - Nam Phương