Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, trong đó nắng nóng xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Nhiều đợt hạn hán xuất hiện góp phần gây ra tình trạng thiếu nước. Ngoài việc cung cấp nước cho con người sử dụng, các hồ, sông và vùng đất ngập nước còn là nơi trú ngụ của hàng nghìn loài sinh vật quý hiếm. Cũng giống như chúng ta, tất cả các sinh vật này đều cần nước để tồn tại.
Phần lớn nước mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày lấy trực tiếp từ các nguồn nước ngọt trong tự nhiên. WWF có nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức, đơn vị công tư nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước ngọt đối với sự phát triển của thiên nhiên và khuyến khích mọi người thực hiện các hành động nhỏ hàng ngày để giảm lượng nước sử dụng.
Theo tổ chức này, Chính phủ và các công ty nước có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất đối với cách sử dụng nước ngọt của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc giảm lượng nước tiêu thụ trong hộ gia đình là một cách quan trọng để mỗi người tạo ra tác động với tư cách là một cá nhân.
Dưới đây là 9 mẹo tiết kiệm nước hàng đầu dành cho cá nhân, theo gợi ý của WWF:
Tắm vòi sen
Chuyển từ tắm bồn sang tắm vòi sen là một cách dễ dàng để tiết kiệm nước. Nếu bạn đã thường xuyên tắm vòi sen, hãy thử giảm thời gian tắm, chỉ tắm trong 4 phút hoặc ít hơn. Nhiều công ty cung cấp thiết bị nước trên thế giới, ví dụ tại Anh, có thể gửi cho người tiêu dùng bộ hẹn giờ tắm miễn phí. Bạn có thể liên hệ với nhà cung cấp tại địa phương mình để tìm hiểu.
Tắt vòi phun tưới nước trong vườn
Nếu gia đình bạn có một khu vườn, không cần thiết phải lắp vòi phun tưới nước. Chúng ta có nhiều cách để tưới vườn tiết kiệm nước hơn. Bạn có thể đầu tư một thùng chứa nước để sử dụng quanh năm. Hoặc bạn sử dụng nước mưa, nước từ rửa rau, vo gạo (không có muối) để tưới cây. Thậm chí lúc này cây còn được hưởng lợi từ các chất dinh dưỡng bổ sung.
Tắt vòi nước khi không dùng
Vòi nước đang chảy đều rất lãng phí nước. Vì vậy, hãy nhớ tắt vòi khi bạn đánh răng hoặc trong lúc chà tay với xà bông... chưa cần dùng nước.
Dùng bồn rửa thay vì xả trực tiếp
Một cách khác để giảm thiểu tình trạng vòi nước chảy là đổ đầy nước vào bồn khi rửa bát. Đổ đầy nước vào bồn và rửa những đồ sạch nhất trước - có nghĩa là bạn không cần phải thay nước, sẽ tiết kiệm được một lượng nước lớn so với việc rửa mọi thứ dưới vòi.
Chỉ bật máy rửa bát khi đã đầy
Theo thống kê của WWF, mỗi gia đình chuyển từ rửa bát bằng tay sang rửa máy có thể tiết kiệm 6.000 lít (6 khối) nước mỗi năm. Không tráng bát đĩa trước khi cho vào bồn giúp tiết kiệm thêm 1.000 lít mỗi năm. Lưu ý, khi sử dụng máy rửa bát cần đảm bảo bát đĩa đã xếp đầy máy, tức là cần sử dụng tối đa khả năng của máy.
Tận dụng nước nấu ăn còn thừa
Nước thừa từ nấu ăn có thể dùng để tưới cây, rửa sân vườn...
Sửa chữa rò rỉ trong hệ thống nước của gia đình
Kiểm tra vòi nước gia đình có bị rò rỉ dưới bồn rửa không, hoặc có bị nhỏ giọt khi đã tắt hoàn toàn không.
Nhiều công ty ngành nước tặng miễn phí "dải chống rò rỉ'. Miếng dán này sẽ dính vào bồn cầu và đổi màu nếu bồn cầu của bạn bị rò rỉ nước. Việc sửa bồn cầu bị rò rỉ thực sự dễ dàng và có rất nhiều video hướng dẫn trực tuyến.
Lắp bộ tạo bọt lưu lượng thấp vào vòi nước và vòi hoa sen
Những bộ chuyển đổi giá rẻ này giúp tạo bọt cho nguồn nước từ vòi nhà bạn, nghĩa là nước cung cấp ra vẫn cùng áp suất nhưng bạn sẽ sử dụng ít nước hơn. Một số công ty nước tặng miễn phí, vì vậy, bạn nên kiểm tra với nhà cung cấp nước của mình.
Đổ nước vào ấm đun theo đúng nhu cầu
Với thói quen uống trà, cà phê..., chúng ta sẽ có nhu cầu đun nước nóng hàng ngày. Bạn chỉ nên đổ nước vào ấm vừa đủ để tiết kiệm nước và năng lượng. Rất nhiều ấm nước có chỉ báo cho biết lượng nước cần thiết cho mỗi lần đun.
Kim Ánh (Theo WWF)