Trẻ em trong hệ thống giáo dục hiện nay không được chuẩn bị tốt để đến với thế giới tương lai. Làm thế nào để chuẩn bị cho con mình đến một thế giới chưa thể dự đoán hay biết trước? Hãy dạy trẻ cách thích nghi và đối phó với sự thay đổi, để luôn sẵn sàng cho mọi thứ bằng cách không cần chuẩn bị một cái gì cụ thể. Dưới đây là những kỹ năng cần dạy cho trẻ để chúng vững vàng bước vào thế giới tương lai:
Đặt câu hỏi
Điều chúng ta mong muốn nhất cho con cái của mình, khi trẻ học hỏi, là có khả năng tự học. Khi đó, bố mẹ không cần phải dạy trẻ tất cả mọi thứ, bất cứ gì con cần biết cho tương lai, chúng có thể tự tìm hiểu.
Bước đầu tiên để làm điều này là học cách đặt câu hỏi. May mắn là trẻ làm điều này một cách tự nhiên, và việc của người lớn là khuyến khích con. Cách tuyệt vời để thực hiện việc đó là làm gương. Khi bạn và con gặp điều gì mới, hãy đặt câu hỏi, và khám phá các câu trả lời có thể cùng trẻ. Khi bé hỏi, hãy trả lời thay vì gạt đi hay phạt con. (Rất nhiều người lớn không khuyến khích con hỏi và thường thấy phiền phức vì điều này).
Giải quyết vấn đề
Nếu trẻ có thể giải quyết vấn đề, bé có thể làm bất cứ việc gì. Một công việc mới có thể khiến bất cứ ai cũng phải lo ngại, nhưng thực sự nó chỉ là một vấn đề khác cần phải giải quyết. Một kỹ năng mới, một môi trường mới, một đòi hỏi mới... tất cả sẽ trở thành vấn đề đơn giản khi biết cách xử lý.
Dạy trẻ giải quyết vấn đề bằng cách làm mẫu xử lý những vấn đề đơn giản, sau đó cho phép trẻ tự làm những việc dễ, phù hợp với lứa tuổi. Đừng ngay lập tức can thiệp, làm hộ tất cả vướng mắc của con, để trẻ tự đối mặt và thử những cách khác nhau có thể, và thưởng cho những nỗ lực này của con. Sau tất cả, trẻ sẽ phát triển được sự tự tin về khả năng giải quyết vấn đề của mình, và từ đó, không có gì là bé không thể làm.
Thực hiện các kế hoạch
Viết một cuốn sách là một dự án. Bán một quyển sách cũng là một dự án nữa. Hãy cùng trẻ lên những kế hoạch, dự án và bắt tay vào làm. Ban đầu bạn có thể làm cùng con, sau đó để bé tự làm. Khi trẻ đã tự tin, để bé thực hiện các kế hoạch của riêng mình. Trẻ sẽ sớm học được rằng cuộc đời có hàng loạt kế hoạch, dự án cần bắt tay thực hiện, hoàn thành.
Tìm thấy đam mê
Thiếu điều gì sẽ khiến bạn trở nên mất phương hướng, vô kỷ luật, không có động lực bên ngoài, không đạt được phần thưởng gì? Đó chính là niềm đam mê. Khi bạn hào hứng tới nỗi không thể ngừng nghĩ về điều gì đó, bạn sẽ luôn cố gắng để thực hiện nó tốt nhất và yêu thích làm điều đó.
Hãy giúp con tìm ra điều yêu thích, đam mê, hãy quan sát và lắng nghe con, xâu chuỗi những sự việc đã diễn ra, tìm ra những điều khiến bé thích thú, hăng hái nhất, giúp con tìm hiểu và tận hưởng. Đừng ngăn cản bất cứ niềm đam mê nào của con, hãy khuyến khích chúng.
Tự lập
Trẻ cần được dạy để ngày càng tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cần dần dần khuyến khích các con tự làm những việc cá nhân. Dạy trẻ cách làm, làm mẫu, giúp trẻ thực hiện và việc trợ giúp ít dần, sau đó để con được mắc lỗi.
Giúp con tự tin hơn bằng cách để con có được những thành công nho nhỏ và cả nếm trải, đối phó với những thất bại. Khi trẻ học được cách tự lập, chúng sẽ học được rằng chúng không cần thầy cô, bố mẹ hay ông chủ bảo phải làm gì. Chúng có thể tự xoay sở mọi việc, tận hưởng cảm giác tự do, và tìm ra hướng đi cần cho riêng mình.
Tự làm cho mình hạnh phúc
Rất nhiều phụ huynh quá ôm ấp, bao bọc con cái, khiến trẻ phải phụ thuộc vào sự hiện diện của bố mẹ mới thấy hạnh phúc. Khi trẻ lớn lên, chúng không biết làm thế nào để mình hạnh phúc. Chúng phải "dính" với ai đó như bạn bè, người yêu mới thấy vui. Nếu không được, chúng tìm hạnh phúc ở những điều khác bên ngoài như mua sắm, ăn uống, game, Internet...
Nếu một đứa trẻ học được sớm hơn rằng chúng có thể tự làm mình hạnh phúc, từ việc vui chơi, đọc sách và tưởng tượng, trẻ đã có một trong những kỹ năng giá trị nhất cho tương lai. Thi thoảng, hãy để trẻ ở một mình. Dành cho chúng thời gian, sự riêng tư (chẳng hạn vào buổi tối), và bố mẹ cũng sẽ tận hưởng được nhiều hơn không gian của riêng mình.
Lòng trắc ẩn
Đây là một trong những kỹ năng cần thiết nhất cho trẻ. Chúng ta cần điều này để đối xử tốt với người khác, để biết quan tâm đến mọi người hơn là chỉ vì mình, để cảm nhận hạnh phúc khi làm cho người khác hạnh phúc. Làm gương bằng cách sống yêu thương mọi người là chìa khóa để dạy trẻ điều này. Hãy thể hiện tình yêu thương với con, và với những người khác, mọi lúc. Thể hiện sự đồng cảm với trẻ, thường xuyên hỏi con nghĩ gì về những cảm xúc của người khác và chia sẻ suy nghĩ của bạn.
Tận dụng mọi cơ hội để chứng minh cho con thấy cách để giảm bớt sự đau khổ của người khác khi bạn có thể, làm thế nào để làm người khác hạnh phúc với hành động tử tế, dù nhỏ, và những điều đó làm bạn nhận lại hạnh phúc như thế nào.
Chấp nhận sự khác biệt
Chúng ta lớn lên trong một khu vực cô lập, nơi mọi người hầu như đều giống nhau (ít nhất là về diện mạo) và khi chúng ta đến nơi khác, tiếp xúc với những người hoàn toàn khác, ta có thể cảm thấy không thoải mái, bị sốc, và cả sợ hãi.
Hãy để con cái mình tiếp xúc với tất cả mọi người, thuộc mọi tầng lớp, chủng tộc, màu da, giới tính, ở điều kiện vật chất và tinh thần khác nhau. Thể hiện cho trẻ thấy rằng sự khác biệt là hoàn toàn bình thường và nó cần được hoan nghênh vì điều đó tạo nên cuộc sống đa dạng, tươi đẹp.
Đối phó với sự thay đổi
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần cho trẻ khi chúng trưởng thành, khi thế giới luôn thay đổi. Có khả năng chấp nhận sự thay đổi, đối phó với nó, chuyển hướng dòng chảy này, sẽ là một lợi thế cạnh tranh. Điều này rất quan trọng, đặc biệt khi so sánh với những người chống lại hay sợ sự thay đổi, những người thiết lập mục tiêu và các kế hoạch rồi cố gắng tuân thủ một cách cứng nhắc thay vì thích ứng và linh hoạt trước mọi đổi thay.
Một lần nữa, hãy làm gương kỹ năng này với con bất cứ khi nào có cơ hội, và thể hiện cho trẻ thấy thay đổi là tốt, bạn có thể thích nghi, nắm lấy cơ hội mới chưa từng có, và đó là một quyền lợi. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu và mọi thứ có thể sai khác, biến hóa nhiều hơn mức bạn tưởng. Và hãy dạy con luôn sẵn sàng trước những biến hóa đó.
Vương Linh (theo Lifehack.org)