Thứ ba, 7/1/2025
Thứ bảy, 1/2/2020, 02:08 (GMT+7)

9 khác biệt về Tết của người Việt gốc Hoa

TP HCMCúng dầu ăn, mặc sườn xám, múa lân là những nét đặc trưng trong phong tục đón Tết của người Sài Gòn gốc Hoa.

Tập trung đông ở khu vực Chợ Lớn (quận 5, 6, 11 thuộc TP HCM), nhiều gia đình gốc Hoa đã ba bốn thế hệ sinh sống ở Việt Nam vẫn giữ những phong tục ăn Tết truyền thống từ quê hương họ.

Những ngày cận tết, các tiệm bán trang phục lân, rồng, ông địa… ở khu Chợ Lớn nhộn nhịp khách mua hàng sỉ và lẻ. Các chủ hàng cho biết phong tục múa lân – sư – rồng là đặc trưng ngày Tết Nguyên đán của người Hoa, không phải hoạt động chính của Tết Trung thu như nhiều người Việt nghĩ. Trong những ngày Tết, các đội lân – sư – rồng thường được chủ doanh nghiệp, gia đình người gốc Hoa mời đến múa trước nhà để mang lại may mắn, đồng thời phục vụ khán giả xem.

Hiện nay, nhiều gia đình có người miền Nam và gốc Hoa cùng chung sống ở TP HCM thường cúng “lai”. Bánh tét, thịt kho trứng, canh khổ qua có thể xuất hiện trên mâm cúng người gốc Hoa, bên cạnh các món ăn truyền thống của họ. “Mấy món này có tên gọi mang ý nghĩa may mắn, nhà lấy chồng hoặc vợ người miền Nam vẫn cúng được”, một người gốc Hoa ngụ ở hẻm 449 Trần Hưng Đạo (quận 5) cho biết.

Cây nhang cúng của người Hoa thường to và dài. Ngoài thịt gà, các món trên mâm cúng của họ có nét khác biệt về các loại bánh trái, giấy vàng mã, cách sắp xếp…

Trái cây, bát hương trên bàn thờ thường được dán chữ Phúc viết trên giấy đỏ. Chữ Phúc quay ngược, theo tiếng Hoa đọc là Phúc đáo – phúc đến. “Người gốc Hoa ở Sài Gòn nhiều khi không để ý, họ dán tùy theo ý ngược xuôi không quan trọng, miễn là có Phúc trong ngày Tết”, cô Tăng Hoàng Ánh (quận 5) cho biết.

Nếu như bánh chưng, bánh tét không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt, người gốc Hoa lại trưng các loại bánh ngọt trên bàn thờ. Các loại bánh bao gồm bánh tổ, bánh tài lộc (hình trái lựu), bánh đường (nhiều màu sắc, hình thù để hộp trong suốt), bánh phát tài…

Trong đó, bánh tổ có tên gọi tiếng Hoa đồng âm với "niên cao" nghĩa là năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ. Trên bánh có ghi chữ “vạn sự như ý” hoặc “năm mới phát tài”. Vì thế món bánh làm từ nếp và đường này không bao giờ thiếu trong ngày Tết của người gốc Hoa. Các loại bánh ngọt có thể trưng lâu đến cả năm, nhưng chỉ bánh tổ có thể ăn lại được bằng cách hấp, chiên, nướng.

Mâm quả của người gốc Hoa mang nét khác biệt so với mâm ngũ quả của người Việt ở TP HCM. Người gốc Hoa không quan niệm “cầu vừa đủ xài”, mà muốn “phát”, do đó các loại trái cây thường được trưng theo cặp, đặc biệt luôn có quýt và táo đỏ. Trái quýt đồng âm với từ "cát" tượng trưng mang lại sự may mắn. Trái táo theo tiếng Hoa là “bình an”, trong khi người miền Nam không trưng vì họ gọi là trái “bom”.

Cỗ cúng và cỗ ăn ngày Tết của họ gồm những món mang các ý nghĩa may mắn, thường là từ đồng âm dựa theo tên tiếng Hoa của từng món. Ví dụ trên mâm cúng có thịt heo đọc là “trư” đồng âm với “châu”, tượng trưng cho châu báu đong đầy; cải xà lách đọc là “phát soi” đồng âm với “phát tài”… Đồng âm với từ “dư, thừa” trong tiếng Hoa, cá hấp nguyên con là một trong những món ăn không thể thiếu, mang ý nghĩa luôn dồi dào, sung túc.

Tục cúng dầu ăn khi đi lễ chùa là nét văn hóa lâu đời được người gốc Hoa duy trì đến nay. Dầu ăn được người dân cúng nguyên chai dâng lên cho các vị thần thánh, sau đó họ đi từng bàn thờ để rót vào các chân đèn. Ý nghĩa của tục này là cầu sự sáng sủa, trơn tru, hanh thông.

Nếu như người Việt mặc áo dài trong những ngày Tết, người gốc Hoa ở TP HCM thường diện sườn xám. “Nữ giới ở khu Chợ Lớn và trong gia đình mình mặc sườn xám đi chúc Tết họ hàng, lễ chùa đầu năm. Tuy nhiên, bây giờ nhiều người gốc Hoa ít duy trì nét đẹp này”, bạn Quang Mỹ Thiên (áo đỏ) cho biết. Ảnh: NVCC.

Tâm Linh – Vinh Phùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net