Chồng hồ sơ xin cải chính họ |
Theo giải thích của anh Đỗ Tràng Sáng, nguyên cán bộ phụ trách văn hoá của xã Liên Khê, 9 dòng họ trên đều bắt đầu bằng chữ Đỗ là Đỗ Tràng, Đỗ Văn, Đỗ Bá, Đỗ Quang, Đỗ Đình, Đỗ Trí, Đỗ Đắc, Đỗ Khoa, Đỗ Trọng. Chữ Đỗ ở đây không phải là họ mà chỉ là chữ đệm, còn họ chính là chữ thứ 2, ví dụ như Đỗ Tràng thì họ chính là Tràng...
Theo như ông Bá Ngọc Sử, trưởng dòng họ Bá, qua nghiên cứu gia phả, ông ước đoán dòng họ Bá có từ khoảng 700 năm trước. Tuy nhiên, khi lưu lạc về đất Khoái Châu, Hưng Yên, do một nguyên nhân nào đó mà bắt buộc cụ tổ của ông phải cải họ để không bị phát hiện ra họ thật của mình, chính vì vậy mới lấy thêm chữ Đỗ đặt ra ngoài cùng làm họ. Với 8 dòng họ còn lại cũng xảy ra chuyện tương tự.
Và có một lệ bất thành văn đối với tất cả 9 dòng họ mang họ đệm là Đỗ: Nếu như sinh con trai thì đương nhiên người con trai phải mang họ đệm. Ví dụ: Con trai của ông Đỗ Văn Y. phải là Đỗ Văn X.. Còn trong trường hợp sinh con gái thì phải lấy họ thật của mình. VD: Con gái ông Đỗ Văn Y. lại là Văn Thị A...
Riêng trường hợp dòng họ Đỗ Tràng, trong gia phả ghi rõ gốc của họ Tràng chính là họ Đoàn và từ mấy năm nay, những người thuộc dòng họ này bắt đầu lấy lại họ Đoàn. Chính vì vậy mới có chuyện trong cuốn sổ hộ khẩu của gia đình anh Đỗ Tràng Sáng có tới 4 họ khác nhau dù tất cả đều là người ruột thịt trong nhà. Hai vợ chồng anh mang hai họ khác nhau, đứa con đầu vì là con gái nên anh phải đặt theo đúng lệ là Tràng Thị Huế. Thế nhưng, đến năm 1984, anh Sáng có thêm cậu con trai, nếu theo đúng lệ phải là Đỗ Tràng Hà nhưng vì biết rằng họ tổ của mình là Đoàn nên anh đặt luôn tên con là Đoàn Đông Hà.
Vài năm trở lại đây, hơn 1.000 khẩu thuộc 9 dòng họ này đều nhận thấy rằng, việc từ lâu mình vẫn phải mang họ của người khác là điều khó chấp nhận được, và đã đến lúc phải lấy lại đúng họ tổ của mình. Và từ đó, trong nửa xã dấy lên một cuộc vận động "dồn tên đổi họ", nghĩa là tất cả cùng làm đơn để xin chính quyền thay từ họ Đỗ sang đúng họ cũ. Cuộc vận động được dòng họ Đỗ Tràng mở màn bằng một lá đơn gửi UBND và Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên vào năm 2002, đề nghị đổi lại họ Đỗ Tràng cho hơn 300 khẩu thuộc dòng họ.
Tiếp theo, dòng họ Đỗ Bá cũng gửi đơn đề nghị đổi lại họ Bá cho gần 200 khẩu, Đỗ Văn xin đổi sang họ Văn, Đỗ Quang xin đổi sang họ Quang..
Trước khi có cuộc vận động "dồn tên đổi họ", việc làm chứng minh thư nhân dân cũng như các loại giấy tờ cá nhân khác của người dân thuộc 9 họ không gặp nhiều khó khăn, vì trên xã từ lâu đã biết được tục lệ này. Nhưng phức tạp lại nảy sinh với những trường hợp là con gái của các gia đình chính sách hay thương binh liệt sỹ khi làm hồ sơ thi đại học không được cộng điểm ưu tiên vì con gái không mang đúng họ cha...
Kể từ thời điểm các dòng họ gửi đơn xin cải chính lại họ, việc làm chứng minh thư nhân dân của những người đến tuổi trưởng thành bị ách lại chờ khi nào có trả lời chính thức từ phía tỉnh. Ông Tường Hữu Hảo, Phó Chủ tịch xã Liên Khê thừa nhận: "Đây chính là điều chúng tôi lo nhất vì hiện nay trong xã có khoảng 300 cháu gái trong diện phải thay đổi họ, trong đó có khá nhiều cháu đến tuổi thi đại học và cần phải có chứng minh thư nhân dân. Năm ngoái đã có 7 trường hợp các cháu gái vì không làm được chứng minh thư nhân dân nên không thể tham gia kỳ thi đại học".
Ông Hảo cũng cho biết thêm: "Vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh cũng đã thí điểm cho 2 cháu được cải chính lại họ theo cách đổi sang họ Đỗ cho giống với bố và có lẽ đây cũng là quan điểm của tỉnh về việc xin cải chính họ của 9 dòng họ".
Tuy nhiên, một số vị trưởng họ trong số 9 dòng họ lại muốn được mang đúng họ của tổ tiên mình chứ không phải là cái họ Đỗ xa lạ kia.
(Theo Lao Động)