Kỳ thi tốt nghiệp THPT qua đi với bao áp lực với học sinh, phụ huynh và xã hội, từ chuyện thi cử, đến việc đảm bảo sức khỏe và diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhưng sau mỗi kỳ thi, phụ huynh và các con lại có một áp lực khác, đó là tiếp tục chọn ngành, chọn nghề và chọn trường.
Cách đây 25 năm, khi còn là thí sinh trước ngưỡng cửa đại học, tôi và cha mẹ cũng loay hoay không kém. Trong 2 năm cuối cấp, nhiều lựa chọn được đưa ra và gần như không có điểm chung nào. Cuối cùng, lựa chọn ngành chỉ đơn giản bởi suy nghĩ "dễ xin việc" bởi trong họ hàng có nhiều người làm nghề này.
Với tôi đó chưa hẳn là sự lựa chọn tốt nhất, vì ngoài thời gian học đại học, tôi có gần 8 năm trải nghiệm các nghề khác nhau mà không có bất cứ cảm hứng nào với công việc.
Hiện tại, phụ huynh đã có kiến thức hơn ngày trước, nhưng dù vậy cũng còn nhiều lúng túng khi giúp con định hướng nghề nghiệp. Một phần cha mẹ vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy cũ, áp đặt suy nghĩ của mình với con. Một phần khác là chưa có đầy đủ kiến thức về định hướng, cũng như không biết cách để cho con những trải nghiệm nghề nghiệp thông qua cuộc sống hàng ngày.
Tôi xin chia sẻ cùng phụ huynh những điều nên và không nên làm, được đúc kết khi gặp hàng nghìn người đi làm, cha mẹ và học sinh, sinh viên.
1. Nên hướng nghiệp từ bất cứ lúc nào, đừng chờ đến khi trưởng thành
Tôi không kỳ vọng con có sự lựa chọn nghề nghiệp khi còn đang học tiểu học hay nhỏ hơn. Tuy nhiên, đây là giai đoạn để giáo dục về những giá trị của cuộc sống và trải nghiệm nghề nghiệp thông qua những nhiệm vụ trong gia đình.
Một ví dụ rất hay khi cô bé 6 tuổi nhà hàng xóm muốn có bộ màu vẽ, người mẹ thay vì đáp ứng ngay lại nảy ra suy nghĩ giúp con kiếm một công việc và đổi lấy bộ màu. Thay vì trả cho con gái một khoản phụ cấp để làm việc nhà, người mẹ đã cho con gái trải nghiệm nghề nghiệp thực sự. Công việc đầu tiên của cô bé là khảo sát khách hàng, lập danh sách 10 hàng xóm và yêu cầu họ chọn món ăn cho bữa tiệc tập thể cuối tuần. Cô bé trình bày kết quả và được mẹ mua cho bộ màu.
Sự khởi đầu này khiến cho cô bé đã trải nghiệm, tìm hiểu về công việc thú vị và cảm thấy quý trọng công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, cha mẹ chú ý không trả tiền cho làm việc nhà vì đây là một phần trách nhiệm của mỗi thành viên. Nếu không con trẻ sẽ có tư tưởng đòi hỏi và quá coi trọng đồng tiền.
Tôi vẫn thường làm như vậy, do đặc thù công việc tôi thường gặp chuyên gia. Thông thường tôi sẽ chia nhỏ hay rất nhỏ công việc của họ thành các nhiệm vụ, rồi chuyển hóa thành công việc cụ thể cho con làm. Đây là cách hữu hiệu để cho con khám phá, trải nghiệm các nghề nghiệp dù đang ở trong độ tuổi nào.
2. Hãy là nhà đầu tư, đừng là người điều hành
Phụ huynh nên xem chương trình Shark Tank trên truyền hình, hãy coi mình là Shark và đầu tư cho sự nghiệp của con. Cha mẹ bằng kinh nghiệm hãy là người hỗ trợ để con trẻ tìm ra sự nghiệp của chính mình, thúc đẩy con trở thành người thành công và tỏa sáng sau này.
Hãy cam kết chắc chắn chỉ đứng sau và đóng vai trò hỗ trợ, không nên can thiệp hay chỉ đạo quá sâu. Đó là sự nghiệp và hạnh phúc của con, vì vậy chính con phải chủ động. Hãy là Shark để hỗ trợ con thành công, đừng để là Tank để con mãi quanh quẩn trong một cái bể chật hẹp mà chưa chắc đã mong muốn.
3. Hãy tạo sự chủ động, đừng để con bị động
Tôi gặp rất nhiều phụ huynh hầu như lo cho con từ A đến Z, lý do điển hình nhất nghe có vẻ hợp lý là "để cháu tập trung cho việc học". Điều này khiến các bạn trẻ có tâm lý ỷ lại, thụ động và khả năng vượt khó rất kém. Tuy nhiên, xã hội bây giờ và tương lai kiến thức học ở nhà trường chỉ một phần, các kỹ năng sống, tương tác với xã hội, kỹ năng công việc, những trải nghiệm... mới quyết định sự thành công. Những điều này chỉ có được nếu các bạn trẻ được tự lập dưới sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ.
Không ít cha mẹ luôn làm hộ hay chỉ đạo con thực hiện theo đúng ý mình. Với cách này, đứa trẻ sẽ không lớn được về mặt tư duy hay kỹ năng. Hãy thử tưởng tượng trong tương lai một chàng trai hay cô gái ngoài 20 nhưng vẫn để phụ huynh đưa đi xin việc hay đến các buổi phỏng vấn. Liệu có phải cha mẹ đang tước mất quyền được tự lập của bạn trẻ? Liệu đó có phải là điều thực sự con mong muốn và hạnh phúc?
Phụ huynh có thể áp dụng một vài phương pháp để con tự lập như: Tự dậy sớm, tự đi học, tự chuẩn bị đồ ăn, đề xuất với bố mẹ, họ hàng để vay tiền hay đầu tư đi học đại học.
4. Nên hướng dẫn, không làm hộ
Hãy trao đổi và thảo luận về những thử thách và thành công trong công việc với con dù ở bất cứ độ tuổi nào. Hãy cho con những khái niệm cơ bản về công việc như sơ yếu lý lịch (hay CV), thư kiếm việc, phỏng vấn, tăng lương... Một điểm lưu ý khi nói chuyện về những khái niệm này với con là nên thay đổi tâm thế, tư duy từ xin việc sang tìm việc và là sự hợp tác bình đẳng giữa hai bên.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hướng dẫn cách cư xử trong công việc với đồng nghiệp, với quản lý và tổ chức. Hãy hướng dẫn con cách chủ động nhận trách nhiệm, biết cảm ơn và xin lỗi trong công việc, biết cách động viên người khác.
Một lưu ý rất quan trọng để con có kỹ năng và chủ động phát triển trong sự nghiệp là phụ huynh chỉ hướng dẫn và không làm hộ. Đã có một người cha ngỏ ý muốn gặp tôi để cảm ơn khi con trai được nhận vào thực tập sinh tại công ty. Tôi nhẹ nhàng đề nghị con trai của ông nên là người làm điều đó bằng cách thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
5. Giúp con nhận ra điểm mạnh, đừng giới hạn bản thân
Sự lựa chọn nghề nghiệp giờ đây đã thay đổi, không còn việc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hay "cứ học và làm đi rồi sẽ giỏi". Sự lựa chọn nghề nghiệp dựa trên những điểm mạnh của bản thân sẽ là một trong những yếu tố hướng đến sự thành công sau này.
Tuy nhiên, hầu hết con trẻ thường không có năng lực nhận diện được điểm mạnh này. Cha mẹ hiểu rõ con mình nên có thể giúp con nhận diện được và đưa ra những gợi ý về nghề nghiệp. Cha mẹ cũng không nên "vô tình giới hạn" điểm mạnh của con vì sẽ vô tình hạn chế khả năng phát triển. Mỗi người đều có những khả năng đặc biệt có thể chưa khám phá được.
Nếu thiếu kiến thức bài bản để giúp con nhận biết điểm mạnh, phụ huynh có thể tham khảo thêm hoặc sử dụng công cụ rất phổ biến như Knowdell Cards, DISC, MBTI, Holland Code...
6. Cho con biết tất cả nghề nghiệp, không giới hạn trong hiểu biết của cha mẹ
Thế giời đang thay đổi và nghề nghiệp cũng thay đổi hàng ngày. Với cha mẹ, chúng ta không nhận thức được toàn bộ công việc hiện có, nhất là những nghề nghiệp mới. Ngoài ra, có những nghề mà cha mẹ cho rằng cần thiết nhưng có thể lại không tồn tại trong tương lai gần.
Năm 2020, khi gặp gỡ phụ huynh có con chuẩn bị thi vào đại học, rất nhiều người muốn cho con học ngành kế toán, đơn giản vì thấy đâu cũng cần nên có thể dễ xin việc. Tuy nhiên, khi công nghệ vào cuộc sống và công việc thì nghề này sẽ sớm mất đi, nhiều phụ huynh đã cùng con thay đổi lựa chọn.
Cha mẹ hãy giúp con có đầy đủ nhất thông tin về các nghề nghiệp trong xã hội. Hãy tìm kiếm trên mạng với các từ khóa về nghề nghiệp, có vô vàn thông tin hướng dẫn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
7. Hãy sử dụng các nguồn lực, không nên làm một mình
Khi con bạn yêu thích hay nêu ra một số nghề nghiệp mà chúng quan tâm, cha mẹ hãy tận dụng các mối quan hệ để hỗ trợ. Đó có thể là người làm trong nghề hay người làm tư vấn hoặc một cơ hội để con trải nghiệm thực tế với nghề.
Nhưng chú ý hãy dừng lại ở đó, để con trải nghiệm và có sự lựa chọn của riêng mình. Rất nhiều phụ huynh mong muốn hay ép buộc con đi theo lộ trình hay nghề nghiệp do mình định sẵn. Điều này sẽ không hiệu quả, đặc biệt cho sự phát triển về sau này. Nếu con bạn thực sự muốn theo nghề của cha mẹ định hướng, con sẽ hạnh phúc hơn nhiều khi tự tìm ra điều đó.
8. Khuyến khích con làm việc và đi thực tập, không nhất thiết làm toàn thời gian
Không có cách nào tốt hơn để biết chắc chắn bạn thích hoặc không thích nghề nghiệp nào bằng làm việc và trải nghiệm trong lĩnh vực đó. Trong qua trình học, đặc biệt là thời sinh viên, thực tập là cách tuyệt vời để trải nghiệm các ngành nghề. Những công việc thực tập như vậy không chỉ giúp con bạn trải nghiệm công việc mà còn được giáo dục về giá trị của lao động và đồng tiền.
Hãy thử hình dung mỗi năm có 3 tháng thực tập thì sau 4 năm đại học con đã có tới 12 tháng được làm việc trong môi trường thực tế. Đó là một điểm không tệ với một sinh viên mới ra trường khi tìm kiếm công việc.
Nhưng hãy nhắc con đừng quá tập trung tìm kiếm một vị trí toàn thời gian hoặc được trả lương. Con cần thực tập hay làm việc bán thời gian, vì học tập và trải nghiệm công việc cần song hành. Hai mươi giờ mỗi tuần là quá đủ để biết con có đam mê với một nghề hay không. Làm việc bán thời gian hay vào mùa hè là cách thấm nhuần những bài học quý giá về giá trị nghề nghiệp.
9. Hãy tạo động lực, đừng gây áp lực
Cha mẹ nào cũng muốn con trở thành "ông nọ bà kia", được xã hội trọng vọng, vì vậy thường có tâm lý "thèm muốn" và tạo áp lực về một công việc cụ thể cho con mình: Trở thành doanh nhân, trở thành chính trị gia, giáo viên, bác sĩ...
Khi đó chúng ta hãy tự đặt hai câu hỏi:
- Nếu như nghề đó thật sự quan trọng với con bạn thì nó có làm con hạnh phúc không?
- Nếu con hạnh phúc thì làm việc đó có phải thật sự quan trọng không?
Mỗi cha mẹ đều có những câu trả lời riêng, nhưng một gợi ý là mỗi người dành hơn 40 giờ mỗi tuần để làm việc. Thậm chí thời gian dành cho công việc còn nhiều hơn dành cho gia đình, vì vậy sự hạnh phúc hay yêu thích công việc là rất quan trọng. Rất nhiều bạn trẻ chán nản công việc, mất định hướng chỉ sau một vài năm đi làm. Là cha mẹ, bạn hãy thúc đẩy và tạo cảm hứng để con tìm kiếm bất cứ thứ gì đam mê, đừng ép buộc hay hướng tới một lĩnh vực cụ thể nào.
Nguyễn Việt Linh