Khác với thế hệ Millennials giàu có ở Mỹ thường sở hữu phòng giặt ủi hiện đại, máy pha cà phê đắt đỏ, người Trung Quốc lại có những định nghĩa khác biệt về xa xỉ. Thay vì sử dụng vật chất đắt tiền dễ nhìn thấy, họ chú trọng hơn vào chất lượng, trải nghiệm và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Không nhìn tên thương hiệu
Khác với thế hệ trước mua sắm vì thương hiệu, người trẻ Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm và trải nghiệm cá nhân. Sở hữu sản phẩm gắn logo nổi tiếng không còn là ưu tiên hàng đầu của họ.
Daniel Langer, giáo sư chuyên nghiên cứu về sự sang trọng của Đại học Pepperdine (Mỹ) đồng thời là giám đốc điều hành công ty chiến lược xa xỉ Équité nói: "Người trẻ giàu có ở Trung Quốc đang tìm những món đồ phản ánh phong cách, đề cao giá trị bản thân, gắn liền với văn hóa và bản sắc dân tộc".
Ngại phô trương
Không chỉ ở châu Âu, xu hướng "xa xỉ thầm lặng" (quite luxury) đang được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Thay vì phô trương hàng hiệu đắt tiền, họ hướng đến phong cách "laoqianfeng", chỉn chu, thanh lịch nhưng không cầu kỳ.
Elisa Harca, giám đốc điều hành công ty tư vấn Red Ant Asia, cho rằng thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng thể hiện địa vị xã hội theo cách độc đáo, tập trung vào chất lượng và sự thoải mái trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó, chất liệu thân thiện với môi trường và quy trình sản xuất bền vững là yếu tố quan trọng, chi phối quyết định mua hàng của người tiêu dùng trẻ giàu có.
Thích đi du lịch tự túc
Không đặt tour du lịch, người trẻ Trung Quốc, đặc biệt là nhóm thích khám phá hay từng đi du học, lại chuộng đi du lịch một mình hoặc theo nhóm nhỏ.
Ngày nay, những chuyến đi trải nghiệm văn hóa địa phương, du dịch sinh thái kết hợp với cắm trại, khám phá Nam Cực hoặc Iceland là ưu tiên của họ.
Sử dụng hàng hiệu second-hand
Thời trang bền vững đang nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Nhiều người tiêu dùng hàng xa xỉ đang chuyển hướng sang các nền tảng mua bán sản phẩm đã qua sử dụng như Vestiaire, Collective, The RealReal và Mercari.
Quan niệm về quần áo cũ đem lại vận rủi không còn ảnh hưởng đến quyết định tiêu tiền của người trẻ.
Mua sản phẩm kèm trải nghiệm
Tiếp cận các thương hiệu xa xỉ ngày càng dễ dàng với người tiêu dùng. Để việc mua sắm trở nên thú vị, nhiều người trẻ tập trung vào trải nghiệm và sự hài lòng khi chi tiền vào sản phẩm cao cấp.
Giáo sư Daniel Langer cho biết được thỏa mãn với đặc quyền như người tiêu dùng VIP là một trong những lý do khách hàng dễ thu hút vào những sản phẩm đi kèm trải nghiệm.
Trì hoãn lập gia đình, sinh con
Nhiều người trẻ Trung Quốc coi việc sinh con là khoản đầu tư không hiệu quả. Do vậy họ ưu tiên tự do cá nhân, phát triển sự nghiệp và theo đuổi mục tiêu riêng hơn là lập gia đình.
Duy trì lối sống xa xỉ sau sinh con
Các dịch vụ chăm sóc cao cấp có chi phí lên tới 200.000 tệ một tháng (khoảng 700 triệu đồng) dần trở nên phổ biến.
Theo Bloomberg, nhiều bà mẹ Trung Quốc đang đổ xô đến các trung tâm chăm sóc hậu sinh sang trọng ở nước ngoài. Đây là nơi khách hàng được trải nghiệm phòng khám thẩm mỹ cao cấp, thưởng thức các bữa ăn từ đầu bếp của nhà hàng 5 sao và nghỉ ngơi trong khi y tá, bảo mẫu chăm sóc con cái của họ.
Việc duy trì lối sống xa xỉ sau sinh nở cũng là định nghĩa mới về sự sang trọng tại Trung Quốc.
Chi tiền vào nội thất xa xỉ
Olivia Plotnick, chuyên gia về quảng cáo tại Thượng Hải, cho biết giới trẻ Trung Quốc đang đầu tư tiền vào việc trang trí nội thất xa xỉ để nâng tầm không gian nơi ở và chất lượng cuộc sống.
Đầu tư vào sức khỏe và sắc đẹp
Người trẻ Trung Quốc giàu có đang "đổ" tiền vào các sản phẩm làm đẹp cao cấp, duy trì các liệu trình thẩm mỹ định kỳ và thực phẩm chức năng.
Báo cáo sức khỏe năm 2024 của McKinsey cho thấy Gen Z và Millennials là thế hệ dẫn đầu xu hướng mua sản phẩm chống lão hóa tại thị trường Trung Quốc.
Minh Phương (Theo Business Insider)