Khi còn bé, con chia sẻ mọi thứ với bạn. Nhưng lớn dần, vòng tròn mối quan hệ bên ngoài mở rộng, con có thể ngày càng ít chia sẻ với bạn hơn. Tất nhiên điều này không đáng lo ngại nếu con ổn. Song nếu con đang không ổn, gặp khó khăn với trường, với bạn thì sao?
Dưới đây là các dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết
1. Mặc quần áo không hợp thời tiết hoặc luộm thuộm
Khi một đứa trẻ phải đương đầu với các vấn đề, dù thể chất hay tinh thần, chúng sẽ ngừng chăm sóc bản thân. Chúng không thay quần áo thường xuyên và thường ăn mặc không phù hợp với thời tiết. Lần tới nếu thấy con như vậy, hãy nói chuyện để xem có đang trải qua khó khăn gì.
2. Thường xuyên đói
Đứa trẻ ăn ngủ được là niềm vui của tất cả cha mẹ. Nhưng thật không may, một đứa trẻ gặp rắc rối cũng thường xuyên đói. Tất nhiên, luôn có khả năng con kiệt sức sau một ngày đến trường, nhưng nếu con đói cồn cào mỗi khi đi học về và còn thường xuyên kêu đói các giờ khác, tốt nhất bạn nên chú ý.
3. Không muốn đến lớp hoặc quá hào hứng đến lớp
Nếu con bỗng dưng không muốn đi học, sự việc lặp lại nhiều ngày, có thể con đang gặp vấn đề gì đó ở trường. Ngược lại, nếu con muốn đi học ngay cả khi ốm, có thể ở nhà quá căng thẳng.
4. Gánh vác nhiều bổn phận của người lớn
Hành động trưởng thành và đảm nhận trách nhiệm thường gắn liền với tuổi trưởng thành, nhưng một đứa trẻ làm điều này có nghĩa chúng đang cố gắng áp đặt quyền lực với người khác. Trẻ em nên hành động, suy nghĩ, vui chơi đúng với lứa tuổi. Ngay cả khi cha mẹ muốn giao nhiệm vụ cho con, cũng không nên quá khả năng trẻ.
5. Làm tổn thương đứa trẻ khác
Một đứa trẻ bị làm tổn thương, xúc phạm có thể có các hành động thể chất hoặc lời nói (như xô đẩy, ăn cắp, đập phá đồ chơi) để trút bỏ sự thất vọng của mình. Càng bị làm tổn thương, chúng sẽ càng làm điều này để cố củng cố cảm giác quyền lực.
6. Quá hiểu chuyện
Một đứa trẻ có thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo vì sợ hãi. Có thể, cha mẹ đã quá khắt khe khi con không đạt thành tích như kỳ vọng và cư xử không đúng mực.
7. Cần sự khẳng định liên tục
Phản ứng của trẻ đối với bắt nạt có thể khác nhau. Một số trở nên trầm lặng và hướng nội hơn, trong khi những trẻ khác cố gắng thu hút sự chú ý của cha mẹ. Cần chú ý khi hành vi của trẻ thay đổi đột ngột.
8. Thay đổi diện mạo
Đây có thể chỉ là một biểu hiện ở tuổi vị thành niên, chẳng hạn xỏ khuyên mũi và ăn mặc phong cách độc đáo. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ bị bắt nạt, quần áo có thể là một hình thức phản kháng. Việc sở thích của con thay đổi đã đủ đáng lo ngại, nhưng còn đáng lo hơn khi những thay đổi đó diễn ra nhanh chóng, chẳng hạn con đột ngột từ chối những bộ quần áo sặc sỡ yêu thích chuyển sang những bộ màu đen.
9. Thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng
Những đứa trẻ gặp khó khăn ở trường thường có phản ứng khác thường trước áp lực. Nhức đầu và đau bụng là phản ứng phổ biến. Một số thậm chí có thể bịa bệnh để không phải đối mặt với những kẻ bắt nạt. Vai trò của cha mẹ là nhận biết khi nào con gặp khó khăn và giải quyết ngay từ đầu.
Mỗi đứa trẻ có một cách thể hiện bản thân khác nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn còn non nớt và thường làm sai khi không có sự hướng dẫn thích hợp. Bổn phận của cha mẹ là quan tâm và duy trì giao tiếp lành mạnh với con.
Bảo Nhiên (Theo Momjunction)