Các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2, Điều 229 Bộ Luật hình sự 1999, gồm các ông: Hoàng Thế Trung (57 tuổi, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án); Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển (nguyên phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư, Ban quản lý dự án); Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải (nguyên giám đốc và phó giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh - Vinaconex); Đỗ Đình Trì (cựu trưởng đoàn Tư vấn giám sát của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam - Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân (nguyên cán bộ của Viwase).
Kết thúc phần kiểm tra căn cước, một số luật sư đã đề nghị triệu tập các cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để làm rõ “bản chất vụ án”. Sau 10 phút hội ý, chủ tọa Nguyễn Thị Xuân Thu công bố việc yêu cầu triệu tập đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch đầu tư là không cần thiết thì theo nghị định 52 thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc HĐQT Vinaconex. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã đồng ý để Vinaconex toàn quyền thực hiện.
Tòa cũng cho hay hai người liên quan xin vắng mặt là ông Phí Thái Bình (cựu chủ tịch HĐQT Vinaconex) và Vũ Đình Chầm (nguyên ủy viên HĐQT Vinaconex) với lý do tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Hai ông đã nộp bệnh án. Theo HĐXX trong quá trình xét xử, nếu cần thiết, tòa sẽ công bố lời khai của các ông này.
Theo cơ quan công tố, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng năm 2004-2009 với tổng số tiền 1.450 tỷ đồng. HĐQT Vinaconex sau đó điều chỉnh, thay đổi vật liệu từ ống gang, dẻo, sang ống composite cốt sợi thủy tinh.
Cuối tháng 3/2009, hệ thống đường ống cấp nước này được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Trong quá trình vận hành, khai thác, từ tháng 2/2012 đến 10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh.
Bộ Xây dựng kết luận, nguyên nhân do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Sự cố khiến đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3.
Cơ quan giám định đưa ra kết luận: Nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, vận chuyển, thi công lắp đặt... và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì không thể xảy ra sự cố vỡ. Hiện nay nhiều công trình ở trong nước sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh để truyền dẫn nước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Do đó, việc thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh cho tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến.
Nhà chức trách xác định để xảy ra sự cố là do quá trình sản xuất ống chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, không thực hiện thử nghiệm độ bền thủy tinh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này...
Ban quản lý dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm tra chặt chẽ, khi phát hiện ống không đảm bảo chất lượng đã không kiểm tra lại chất lượng của lô ống tương ứng... Trách nhiệm thuộc về chín bị cáo do trong quá trình sản xuất ống, quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội đã ký 73 biên bản nghiệm thu và xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống, phụ kiện ống composite dùng trong dự án không đạt chất lượng.