Vào tháng 1, một đàn khỉ đột tại Công viên Safari của vườn thú bị nhiễm nCoV. Tất cả đều đang hồi phục, lãnh đạo vườn thú vẫn nhờ cậy Zoetis tiêm phòng cho những con khỉ không đuôi khác. Công ty này đã cung cấp cho vườn thú một loại vaccine thử nghiệm chỉ dành riêng cho vật nuôi.
Nadine Lamberski, nhân viên bảo tồn và sức khỏe động vật hoang dã tại San Diego Zoo Global, cho biết, đã tiêm vaccine thử nghiệm cho 4 con đười ươi và 5 con tinh tinh lùn. Trong số những con đười ươi được tiêm phòng có Karen - con đười ươi đầu tiên được phẫu thuật tim hở vào năm 1994.
Tiến sĩ Lamberski nói một con khỉ đột ở vườn thú cũng sẽ được tiêm vaccine, nhưng khỉ đột không phải là ưu tiên hàng đầu vì chúng từng nhiễm nCoV và đã bình phục. Chúng sẽ được tiêm phòng khi vườn thú nhận được nhiều vaccine hơn.
Mahesh Kumar, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách sinh học toàn cầu của Zoetis, cho biết công ty đang tăng cường sản xuất để phục vụ quá trình phê duyệt vaccine cho chồn và sẽ cung cấp nhiều liều hơn cho San Diego cũng như các vườn thú khác khi có thể.
Lây nhiễm nCoV trong loài vượn là một mối quan tâm lớn đối với các vườn thú và các nhà bảo tồn. Chúng dễ dàng trở thành mục tiêu của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở người và các loại virus cảm lạnh thông thường - từng gây ra các đợt bùng phát đe dọa tính mạng tinh tinh ở châu Phi.
Nghiên cứu bộ gene nhận thấy tinh tinh, khỉ đột và các loài linh trưởng khác nhạy cảm với nCoV. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm thuốc và vaccine trên một số loài khỉ, đồng thời phát triển các phương pháp điều trị mới.
Bên cạnh nỗi lo về tác động virus gây ra cho loài linh trưởng và các loài động vật khác, giới khoa học quan ngại quần thể động vật hoang dã có thể trở thành ổ chứa virus vĩnh viễn, làm tăng nguy cơ con người bị lây nhiễm trở lại.
Sự lây truyền nCoV trong các cá thể chồn nuôi là nỗi sợ hãi lớn nhất cho đến nay. Khi virus xâm nhập vào các trang trại nuôi chồn hương ở Đan Mạch, nó có thể giết chết chồn và người. Một biến thể của virus xuất hiện ở chồn đã lây cho con người. Biến thể đó có khả năng chống lại một số kháng thể, làm dấy lên nghi ngờ rằng nó có thể làm giảm hiệu quả vaccine. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể virus này không xuất hiện ở người kể từ tháng 11/2020.
Đan Mạch đã giết 17 triệu con chồn - xóa sổ ngành công nghiệp nuôi chồn của nước này. Tại Mỹ, hàng nghìn con chồn nuôi đã chết và một con chồn hoang dã bị nhiễm nCoV.
Mai Dung (Theo New York Times)