Sự nhút nhát khiến bạn giữ khoảng cách với người khác và tránh các giao tiếp xã hội. Nó có thể khiến bạn cảm thấy e dè hoặc bất an trong các tương tác với người khác. Biểu hiện của sự nhút nhát là bạn có thể bị chóng mặt, mồ hôi, đau bụng, nói lắp hoặc tất cả những điều này.
Tính nhút nhát có thể tác động đến mọi mặt trong cuộc sống của một người. Nó xuất hiện nơi làm việc hay trong cuộc sống cá nhân, ảnh hưởng đến lòng tự trọng hoặc sự tự tin.
Những người nhút nhát gặp khó khăn trong việc kết bạn mới. Thêm vào đó, cảm giác ngại ngùng có thể ngăn mọi người nói trước đám đông và gây dựng các mối quan hệ xã hội. Bởi các tương tác xã hội là thiết yếu trong cuộc sống, sự nhút nhát có thể khiến bạn cảm thấy bị cô lập và cô đơn.
Có ba yếu tố tiềm ẩn gây ra tính nhút nhát.
Di truyền: Tính nhút nhát có thể là do ảnh hưởng của di truyền. Nhưng những đặc điểm tính cách này không cố định, và có thể thay đổi khi lớn lên.
Ảnh hưởng môi trường: Môi trường bạn lớn lên có sức ảnh hưởng lâu dài tới bạn. Cha mẹ nghiêm khắc có thể khiến bạn khó bước ra khỏi vùng an toàn khi trưởng thành. Hoặc nếu lớn lên trong một môi trường không an toàn, bạn có thể sợ phải ra ngoài môi trường xã hội.
Trải nghiệm đau thương: Những trải nghiệm đau thương từ thời thơ ấu có thể ảnh hưởng tới bạn đến khi trưởng thành. Ví dụ, tính nhút nhát của bạn có thể hình thành do bị bắt nạt. Trải qua một sự thay đổi trong gia đình như ly hôn hoặc cái chết cũng có thể là nguyên nhân.
Nhút nhát, lo âu xã hội và hướng nội thường bị nhầm lẫn với nhau. Mặc dù chúng có những điểm tương đồng hoặc ai đó có thể trải nghiệm cả ba, nhưng chúng hoàn toàn khác nhau. Rối loạn lo âu xã hội là một vấn đề sức khỏe tâm thần, trong khi hướng nội và nhút nhát thì không.
Thực hành 9 chiến lược này có thể giúp bạn vượt qua sự nhút nhát và tự tin hơn trong các tương tác xã hội.
Bắt đầu từ những bước nhỏ
Bước quá xa khỏi vùng an toàn có thể khiến bạn choáng ngợp, vì vậy đừng bắt người nhút nhát nhảy thẳng vào việc nói trước đám đông. Thay vào đó, hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ. Bắt đầu bằng cách nói chuyện với một thành viên trong gia đình hoặc nói chuyện phiếm với đồng nghiệp. Những điều này có thể giúp xây dựng sự tự tin và làm dịu thần kinh của bạn.
Khám phá điểm mạnh của bản thân
Nếu tính nhút nhát cản trở thành công của bạn, thì bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội mới trong cuộc sống. Nếu bạn luôn chắc ăn và không bao giờ theo đuổi điểm mạnh bản thân thì bạn sẽ kìm hãm sự phát triển của mình. Khám phá điểm mạnh của mình sẽ giúp bạn bớt hoài nghi bản thân và tự tin hơn khi thử những điều mới.
Đừng nghĩ rằng mọi người đang nhìn bạn
Không ai để ý đến tất cả những gì bạn làm. Sự nhút nhát có thể cố gắng thuyết phục bạn rằng mọi người đều nhìn vào lỗi lầm của bạn, nhưng điều đó không đúng. Đừng nghĩ rằng ai cũng chú ý tới mọi cử chỉ của bạn.
Đừng tự hủy hoại bản thân hoặc trốn tránh các tình huống
Chúng ta có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Hãy chú ý đến những lời bạn nói với bản thân trong các tình huống xã hội. Bạn xứng đáng vượt qua tính nhút nhát và có được sự tự tin. Điều quan trọng là đừng để nội tâm nói với bạn điều ngược lại.
Khi bạn nhút nhát, bạn sẽ muốn tránh những tình huống đáng sợ. Nhưng nếu không hòa nhập với xã hội, chúng ta có nguy cơ bị trầm cảm và cô lập. Hãy cố gắng tiếp xúc với mọi người.
Đừng sợ những thất bại
Thất bại không phải là dấu chấm hết cho hành trình của bạn. Một tương tác xã hội tồi tệ không hủy hoại cơ hội để bạn trở nên tự tin hơn. Rất dễ để thất vọng về bản thân, nhưng hãy nhớ rằng không ai có thể trở nên hoàn hảo ngay lập tức.
Làm rõ ảnh hưởng của sự nhút nhát
Sự nhút nhát của bạn ảnh hưởng tới bạn thế nào? Ngôn ngữ cơ thể của bạn có thay đổi không? Bạn có đấu tranh để giao tiếp bằng mắt với mọi người? Xác định thời điểm bạn bắt đầu cảm thấy ngại ngùng có thể giúp bạn rút kinh nghiệm trong tương lai.
Xác định nguyên nhân
Nếu biết tại sao mình nhút nhát trong các tình huống xã hội, bạn có thể tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn đó. Ví dụ, đó có thể là do sự thiếu tự tin hoặc ám ảnh bởi trải nghiệm tồi tệ.
Việc xác định nguồn gốc sự nhút nhát của bạn không quá quan trọng nhưng nó giúp xác định và ngăn ngừa tiếng nói nội tâm tiêu cực khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bao quanh bạn với những người cổ vũ
Khi những người xung quanh không phán xét tính nhút nhát của bạn, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân. Bạn thậm chí có thể cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh để bước ra khỏi vùng an toàn của mình khi có người ủng hộ và cổ vũ.
Tìm kiếm liệu pháp
Nếu cảm thấy rằng sự hoài nghi bản thân, tự ti hoặc lo âu đang thúc đẩy tính nhút nhát của mình, hãy cân nhắc làm việc với chuyên gia trị liệu hoặc huấn luyện viên, đặc biệt nếu tính nhút nhát cản trở sự hài lòng trong công việc và cá nhân của bạn.
Đức Anh (Theo Psychology Today)