Thanh Huyền -
1. Kiên nhẫn là nguyên tắc then chốt
Gần như mọi nhà văn ăn khách đều phải trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn khi mới bắt đầu sự nghiệp. Tác phẩm của họ rơi vào thinh lặng, thậm chí, bản thảo không xuất bản được. Thành công ngay từ đầu là chuyện rất hiếm gặp. Điều làm nên sự khác biệt của các nhà văn best-seller là họ không dễ dàng nản lòng trước thất bại. Họ kiên nhẫn. Khát vọng thành công ở những tác giả này lớn hơn bất cứ điều gì khác. Nhà văn ăn khách luôn chiến thắng trong cuộc thử thách lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng để viết hàng loạt tác phẩm trước khi chạm tới được ánh hào quang của sự nổi tiếng.
2. Viết, viết và viết
Khả năng sản xuất của các tác giả bán chạy cao hơn so với sức viết trung bình của giới nhà văn. Họ thường tự đặt ra kỷ luật để buộc mình ngồi vào bàn viết mỗi ngày chứ không đợi vị thần cảm hứng đến vỗ vai. Nhờ nguyên tắc làm việc này mà nhiều nhà văn đã lập nên kỳ tích. Catherine Coulter, tác giả của Point Blank là mẹ đẻ của hơn 50 cuốn tiểu thuyết ăn khách trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Catherine Coulter - nhà văn có hơn 50 cuốn tiểu thuyết best-seller. Ảnh: bookemfoundation. |
3. Họ thích viết, viết và viết
Những nhà văn thành công về mặt thương mại là người thích viết hơn bất cứ công việc gì khác. Các tác giả best-seller chăm viết không hẳn vì tuân theo kỷ luật làm việc (dù đó là một phần của thành công) mà đơn giản vì họ thích được viết. Nhờ tình yêu này, nhiều nhà văn có sức làm việc phi thường. Iris Johansen, tác giả cuốn Countdown thường sản xuất 2 cuốn sách mỗi năm. Không phải vì bà buộc phải làm như thế, mà vì bà muốn làm như thế. Viết là niềm đam mê của Johansen.
4. Không ngừng tiếp thị tác phẩm
Họ là những người không biết mệt mỏi trong việc quảng bá những đứa con tinh thần của mình, dù nó đã thành công đến đâu. Không chỉ giới thiệu sản phẩm trên đài phát thanh, truyền hình hay qua các cuộc phỏng vấn báo chí, nhiều người trong số họ còn chấp nhận cả những cách thức tiếp thị mệt nhọc nhất. Họ đi thăm hỏi từng nhà sách, từng cơ sở bán lẻ... Sau khi đã có 10 đầu sách lọt vào các bảng xếp hạng best-seller, Nicholas Sparks vẫn đều đặn thực hiện các tour quảng bá sách mỗi khi phát hành một tác phẩm mới.
5. Chú trọng nghiên cứu thị trường
Dù không được đào tạo qua trường lớp nhưng họ là những người có tư chất bẩm sinh trong lĩnh vực tiếp thị, xây dựng "thương hiệu" và tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Những nhà văn này luôn theo sát các xu hướng của thị trường sách. Họ nắm rõ thị hiếu của độc giả, biết độc giả thích và chờ đợi điều gì ở tác phẩm của mình. Họ lập ra chiến lược phát triển sự nghiệp và biết đó là yếu tố đẩy họ đi nhanh đến thành công hơn là tài năng đơn thuần.
Christopher Paolini - một nhà văn hiếm hoi thành công ngay từ tác phẩm đầu tay. Ảnh: RandomHouse. |
6. Người hâm mộ là tài sản quan trọng
Những tác giả bán chạy luôn biết cách lắng nghe độc giả, tìm cách giao lưu, cố gắng đáp ứng những gì mà người đọc mong đợi. Họ không mấy để tâm, thậm chí là bỏ ngoài tai nhận định của giới phê bình. Với họ, kênh truyền miệng từ người hâm mộ có hiệu quả vượt trội so với những bài viết uyên bác của các nhà phê bình. Linda Fairstein, tác giả của Entombed và series truyện Alexandra Cooper rất thích các buổi ký tặng sách. Với mức độ nổi tiếng của mình, bà không cần làm như thế để thành công hơn, chỉ đơn giản là bà thích được giao lưu cùng người đọc.
7. Càng thành công càng biết chấp nhận áp lực
Đối với các nhà văn ăn khách, áp lực họ chịu đựng tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng. Càng leo đến vị trí cao trong bản xếp hạng best-seller, họ càng nâng cao những đòi hỏi đối với bản thân. Những nhà văn bán chạy hàng đầu thế giới là những người biết làm chủ 3 cách sống hoàn toàn khác nhau trong cuộc đời. Thứ nhất, viết một cách thầm lặng, cô độc. Sau đó, tham gia vào những hoạt động sôi nổi cùng êkíp làm sách nhằm đẩy tác phẩm trở nên càng nổi tiếng càng tốt. Cuối cùng, họ phải dấn thân vào những cuộc giao lưu triền miên với độc giả nhằm bán được càng nhiều sách càng tốt. Nếu muốn trở thành một cây bút ăn khách hàng đầu, họ phải là người sành sỏi, lão luyện cả trong 3 giai đoạn này. Susan Elizabeth Phillips là nhà văn từng làm việc suốt một tháng ròng không hề có một ngày nghỉ ngơi khi bà chuẩn bị ra mắt cuốn Ain't She Sweet.
8. Phải có lòng biết ơn
Hơn ai hết, nhà văn best-seller là những người hiểu rõ giá trị của những vận may đã đưa họ đến đỉnh cao của sự nghiệp. Họ luôn đánh giá cao những độc giả trung thành. Sự thành công, mức độ nổi tiếng và những nguồn thu nhập khổng lồ đến với họ thường vượt quá cả giấc mơ mà họ vẽ ra khi mới chập chững cầm bút. Christopher Paolini là người ghi nhận sâu sắc sự giúp đỡ của các thày cô giáo, các nhà sách và độc giả khi anh bất ngờ nổi tiếng với cuốn sách đầu tay Eragon.
9. Nhà văn best-seller không nhất thiết phải có tiểu sử rạng rỡ
Những tác giả thành công về thương mại hiếm khi tốt nghiệp từ các trường lớp đào tạo viết văn. Viết đối với họ là nghề làm thêm thứ hai, thậm chí là thứ ba gì đó. Và ngành công nghiệp xuất bản tập trung khai thác thế mạnh là những trải nghiệm rất thật mà họ có trong những cuộc đời khác nhau. Chính vì thế, các nhà văn ăn khách thường có xuất thân rất đa dạng, từ nhiều tầng lớp xã hội, nhiều ngành nghề khác nhau, không nhất thiết phải có trình độ học vấn xuất sắc.
(Nguồn: innoarticles)