Tham gia cùng dự án trường đại học trực tuyến FUNiX từ ngày đầu, anh Trương Đắc Tài đã có kinh nghiệm hơn một năm hướng dẫn, đồng hành cùng các học viên của trường. "Mình thích thì làm thôi", chàng trai sinh năm 1989 chia sẻ về quyết định trở thành "mentor".
Tại FUNiX, những người giảng dạy được gọi là mentor, tuy nhiên đây không hẳn là các giảng viên như mô hình đại học truyền thống. "Sẽ khó cắt nghĩa mentor vì mình vừa là người truyền đạt, hướng dẫn, vừa đồng hành, lại là bạn bè với các học viên, có thể là đồng nghiệp hay đối tác tương lai", anh Tài chia sẻ. Công việc chính của anh hiện tại là chuyên viên kiểm thử phần mềm tại công ty phần mềm FSoft.
Anh thừa nhận bản thân thích cách ví von những mentor như mình giống phong cách với Uber, ứng dụng đi chung xe trực tuyến mà không cần là một hãng xe nhất định. Trong khi Uber huy động xe rảnh rỗi trong cộng đồng để làm phương tiện di chuyển công cộng, FUNiX cũng huy động những người có kiến thức chuyên ngành để truyền đạt thông tin, không nhất thiết phải là giảng viên có bằng cấp sư phạm.
"Với công nghệ thông tin nói riêng, được học từ những người kinh nghiệm tốt nhất sẽ mang lại kiến thức, trải nghiệm và sự kế thừa tốt. Giống như Uber, tài xế tốt, xe tốt sẽ mang lại lợi ích cho cả người lái lẫn khách hàng", anh chia sẻ.
Kể về con đường đưa mình trở thành mentor trẻ tuổi, cựu sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cho hay vốn yêu thích công nghệ thông tin nhưng rất quan tâm tới giáo dục, đồng thời tự nhận mình không hợp với cách đi dạy truyền thống nên đã không theo nghiệp sư phạm. Từng lỡ vị trí truyền đạt kiến thức của mình tại FSoft, cơ hội thực hiện cả 2 niềm đam mê của anh đến khi FUNiX hình thành và bắt đầu tuyển những nhân sự đầu tư.
"Mình đăng ký ngay với tinh thần đam mê. Mình quan niệm 'cho đi là nhận lại' nên khi làm mentor truyền đạt kiến thức cho người khác, mình sẽ có thêm cơ hội để học", anh nói. Khoảng thời gian đầu tiên, anh cho đi rất nhiều thời gian để hướng dẫn, và học thêm được không ít về code, kỹ năng, tư duy lập trình, xử lý, giải quyết lỗi, cách đưa ra hướng dẫn và định hướng học viên tốt hơn.
Theo anh, công nghệ thông tin phát triển nhanh hàng ngày, hàng giờ, nếu không cập nhật hay giảng dạy theo các hàn lâm, truyền thống thì kiến thức sẽ bị lỗi thời. "Do đó, truyền đạt trực tuyến là cách kịp thời và nhanh chóng nhất để cả người dạy lẫn người học được cập nhật kiến thức".
Hải Khanh