Ngày 17/1, tại kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phục vụ phòng chống Covid-19 tại CDC Hà Nội và 11 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm về tổ chức mua sắm.
Thanh tra Chính phủ kết luận, CDC Hà Nội cùng các bệnh viện và đơn vị liên quan có trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm trong đấu thầu các loại thiết bị chống dịch như máy X-quang, máy thở, máy lọc máu... Tổng giá trị các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư, kit xét nghiệm mà CDC Hà Nội và 11 bệnh viện ký hợp đồng mua sắm trị giá hơn 73 tỷ đồng và bị chênh lệch so với giá nhập khẩu khoảng 35 tỷ đồng (gần 50%).
Như mặt hàng Kit realtime PCR bị "đội giá" khi CDC Hà Nội và các bệnh viện mua của một số công ty. Trong đó, sản phẩm của Công ty thiết bị y tế Phương Đông có mức giá chênh lệch 2,49 lần giữa giá nhập khẩu và trúng thầu. Công ty 3TK cung cấp 7 mặt hàng cho CDC Hà Nội có mức chênh lệch từ 1,68 đến 5,52 lần. Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam trúng thầu có mức chênh lệch từ 2,79 đến 4,59 lần.
Liên quan đến việc đặt hàng xét nghiệm, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng đã có nhiều sai phạm: Sở Y tế Hà Nội chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án, đơn giá đặt hàng xét nghiệm Covid-19 (hơn 3 triệu mẫu); CDC Hà Nội chưa ký hợp đồng xét nghiệm nhưng vẫn gửi mẫu cho các đơn vị thực hiện xét nghiệm gây khó khăn và không có căn cứ để thanh toán.
Trong 89 gói thầu chuyển sang Bộ Công an có một số gói thầu bị đề nghị điều tra như 7 gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật số. Đơn vị trúng thầu là Công ty Tài Lộc, còn chủ đầu tư là 7 bệnh viện: Đa Khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Phổi Hà Nội, Thanh Nhàn, Xanh Pôn.
Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách cũng bị xác định có 34 gói thầu tại 34 bệnh viện có sai phạm, đội giá 1,2-1,84 lần. Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê là đơn vị có nhiều nhất với 48 gói thầu bị cho là sai phạm, giá chênh lệch từ 1,3 đến gần 3 lần.
Nguyên nhân của việc "đội giá" trên, theo Thanh tra Chính phủ, là giá của 20 loại thiết bị y tế ở 58 gói thầu được mua bán qua nhiều công ty trung gian. Các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, qua mỗi lần thì giá trang thiết bị đều có mức chênh lệnh cao. Từ đó, giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.
Sau khi các đơn vị thực hiện hợp đồng, UBND Hà Nội đã yêu cầu nhà thầu phải giảm giá để "chung tay chống dịch". Nhiều doanh nghiệp đã giảm nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng "vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu".
Tổng giá trị trúng thầu 20 loại thiết bị là hơn 134 tỷ đồng, song cơ quan thanh tra kết luận giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm các loại thiết bị chống dịch này chỉ gần 62 tỷ đồng. Hơn nữa, 41 gói thầu tại 34 bệnh viện và CDC Hà Nội do hai nhà thầu đã mua, bán qua nhiều công ty trung gian và "có giá trị chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu". Hai nhà thầu bị thanh tra chỉ ra là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thật Tài Lộc và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách.
40 gói thầu thiết bị tại 33 bệnh viện và CDC Hà Nội cũng bị xác định có giá chênh lệch lớn. Trong đó, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê, Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông có tổng giá trị trúng thầu hơn 37 tỷ đồng, nhưng thực tế giá nhập khẩu chỉ 17 tỷ đồng.
Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC và các bệnh viện (bản chụp) đều bị tẩy xóa, che khuất giá nhập khẩu. Tuy nhiên, tại thời điếm thực hiện lựa chọn nhà thầu, pháp luật về đấu thầu chưa quy định về việc phải công khai giá nhập khẩu hàng hóa, do đó Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn cụ thế về việc này theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý thiết bị y tế.
Hai tháng qua, nhiều kết luận về thanh tra mua sắm thiết bị trong Covid-19 tại Bộ Y tế và nhiều địa phương đã được công bố. Sai phạm được chỉ ra chủ yếu liên quan đấu thầu, trong đó tại Hà Nội và TP HCM có giá "cao bất thường". 100% gói thầu ở Hà Tĩnh và Đà Nẵng đều "có sai phạm", Hải Phòng và Quảng Trị là hơn 95 %, Bình Thuận và Cần Thơ cùng 90%.