Ngày 25/12, ông Bùi Văn Duẩn, Hạt trưởng Kiểm lâm Hướng Hóa cho biết đơn vị đang phối hợp với công an để điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng ở Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa.
Nhà chức trách tổ chức 8 đợt kiểm tra ở hiện trường và ghi nhận số lượng gỗ bị phá như trên.
![Nhà chức trách ghi nhận cos89 cây gỗ bị đốn hạ ở rừng đặc dụng bắc Hướng Hóa. Ảnh: Hoàng Táo](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/12/25/a-IMG-2510-copy-7782-1640428682.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PeonSbyLP74QuY1guPmj8g)
Nhà chức trách ghi nhận 89 cây gỗ bị đốn hạ ở rừng đặc dụng bắc Hướng Hóa. Ảnh: Hoàng Táo
Kinh phí để điều tra khoảng 400 triệu đồng, trong đó giám định mẫu gỗ hơn 284 triệu đồng, khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định gần 103 triệu đồng. Huyện Hướng Hóa đã trích ngân sách hơn 100 triệu, số tiền còn lại đang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ kiểm lâm để điều tra vụ phá rừng.
Kiểm lâm Hướng Hóa dự định lấy 50 mẫu để giám định tên gỗ, chủng loại gỗ, nhóm gỗ và mức độ quý hiếm, 174 mẫu để giám định tính đồng nhất về chủng loại gỗ.
Hiện, kiểm lâm phối hợp nhiều lực lượng khác đã lập chốt chặn ở đường vào rừng tại thôn Cát, Trỉa (xã Hướng Sơn) để ngăn chặn việc phá rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa có diện tích tự nhiên 23.500 ha, là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước và bảo vệ môi trường.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn, tháng 9-10/2021, mưa lũ liên tục khiến nước suối dâng cao, nhân viên bảo vệ phải rút ra khỏi rừng để đảm bảo an toàn. Lợi dụng tình hình, một số người mang cưa máy vào rừng đốn hạ cây.
Theo điều 232, tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt 5 năm đến 10 năm sẽ áp dụng với hành vi khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên 15 m3 trở lên với gỗ thông thường hoặc 10 m3 trở lên với gỗ thuộc Danh mục quý, hiếm nhóm IIA