Theo Báo cáo Đánh giá Toàn cầu về Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), con người mới chỉ phát hiện khoảng 2.000 trong tổng 1,7 triệu virus sống trong các loài chim và động vật có vú. Trong đó, các nhà khoa học ước tính khoảng 540.000-850.000 loại virus có khả năng lây nhiễm sang con người.
"Một điều khá thú vị là chúng ta không biết về sự đa dạng này", Peter Daszak, người chủ trì hội thảo IPBES, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe môi trường EcoHealth Alliance, nói. "Các virus mới liên tục xuất hiện, gây bệnh tật cho con người. Vậy tại sao ta không đi trước một bước, tìm hiểu sâu hơn về những mầm bệnh có thể gây hại?".
Hơn 700 nghiên cứu khoa học trong báo cáo IPBES, công bố hôm 29/10, chứng minh những hoạt động của con người có thể gây ra nhiều đại dịch tiềm ẩn. Biến đổi khí hậu, mở rộng đất nông nghiệp, buôn bán động vật hoang dã đều có thể khiến nguy cơ tiếp xúc với virus mới cao hơn. Cả hệ miễn dịch và sức khỏe con người đều chưa sẵn sàng đối phó với những loại dịch bệnh này.
Các tác giả cho rằng cần có hướng tiếp cận chủ động, thay vì chỉ phản ứng với các đợt bùng phát trong tương lai bằng biện pháp ngăn chặn, điều trị hoặc vaccine.
Daszak kêu gọi một "sự thay đổi hoàn toàn trong cách đối phó với các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn".
Nhà sinh thái học Enric Sala nhấn mạnh hoạt động của con người ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Ông cho biết khoảng một triệu loài trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
"Đại dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ đan xen phức tạp của sự sống trên trái đất", Sala nói. "Tất cả những thứ loài người cần để tồn tại, oxy, thực phẩm, nước sạch... đều được các loài khác tạo ra. Khi thiên nhiên ngày càng xấu đi, những loài này có thể tuyệt chủng hàng loạt".
Biến đổi khí hậu làm virus xuất hiện tại nhiều nơi trên trái đất. Phá rừng, hệ sinh thái để nuôi trồng khiến con người và vật nuôi tiếp xúc gần hơn với các động vật hoang dã chứa virus. Buôn bán động vật hoang dã cũng là một con đường lây truyền virus sang con người.
Phần lớn các đại dịch, trong đó có Covid-19, bắt nguồn từ động vật. Đây cũng là nguyên nhân gây ra 70% các bệnh mới, như Ebola, Zika, Nipah.
Đại dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát ở nhiều nước Châu Âu. Tới nay thế giới có 44 triệu người nhiễm và 1,1 triệu ca tử vong sau khi nhiễm nCoV. Song, theo Daszak, những tổn hại không dừng lại ở khía cạnh con người. Ngay cả khi vaccine Covid-19 đã sẵn sàng, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể thiệt hại 16.000 tỷ USD vào giữa năm 2021. Con số ước tính có thể đạt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm trong tương lai.
Trong khi đó, ngăn chặn sự bùng phát của các đại dịch ngay từ đầu có thể chỉ tiêu tốn khoảng 58 tỷ USD.
"Bỏ một USD vào việc ngăn chặn, bạn thu lại 100 USD trong tương lai", Daszak nói. "Tại sao ta không làm điều này trên phạm vi toàn cầu?".
Báo cáo cũng đưa ra một số chiến lược giải quyết mối quan hệ giữa con người và virus, như đánh giá nguy cơ đại dịch, xác định động vật buôn bán có nguy cơ cao mang mầm bệnh, tận dụng kiến thức của người bản địa để ngăn bệnh tật lây lan.
Daszak đánh giá báo cáo IPBES không hề "u ám" mà là "một lời kêu gọi hành động đầy lạc quan".
"Chúng ta có khả năng càng lớn để ngăn chặn các đại dịch, chưa tận dụng được hết để giải quyết Covid-19", Daszak tuyên bố. "Chúng ta có thể thoát khỏi thời kỳ đại dịch, song đòi hỏi một sự tập trung nhiều hơn vào phòng ngừa bên cạnh đối phó".
Lê Hằng (Theo Mongabay)