Bà Phan Thị Mơn. Ảnh: Ngô Phan. |
Dáng người nhỏ nhắn, bà Mơn một thời nổi tiếng trong vai mẹ liệt sĩ trong bộ phim Ngã ba Đồng Lộc. Theo sử sách ghi lại, tại xã Cổ Đạm có dòng họ Phan nổi tiếng về hát ca trù đã chục thế kỷ qua. Bà Mơn là con cháu dòng họ Phan nên ảnh hưởng ít nhiều về cái tài của dòng họ.
13 tuổi, bà theo anh chị, bạn bè đến học ca trù tại nhà anh kép Phan Đình Hưng, người có thâm niên trên 30 năm đi biểu diễn ca trù ở cung đình Huế. Với giọng hát mượt mà và say mê nghiệp cầm ca, kép Hưng đã nhận bà làm con nuôi và truyền các ngón nghề từ cách luyến láy, cầm hơi nhả chữ, đến cách cầm phách sao cho giòn...
Năm 17 tuổi, đào Mơn đã thuộc làu hơn 30 làn điệu ca trù và theo gánh hát kép Hưng đi biểu diễn khắp các tỉnh Trung Kỳ lúc ấy. Vào mỗi dịp lễ ở chốn miếu đường linh thiêng, nơi đình làng, hay các lễ hội đầu xuân, đào Mơn thường được cầm ca chính của gánh hát.
Năm 1944, cô đào Mơn đã kết tóc xe duyên cùng người thầy dạy học chữ hán trong làng. “Kháng chiến nổ ra gánh hát tan vỡ. Chị em lo tăng ca sản xuất để phục vụ tiền tuyến. Các anh kép cùng nhau lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Sau những năm 1975, mặc dù ca trù Cổ Đạm không còn hưng thịnh như những ngày đầu, nhưng ngày giỗ chạp, lễ Tết các ca nương, anh kép một thời xông pha lại ngồi hát với nhau", bà Mơn kể.
Ông Hoàng Thanh Lâm, trưởng ban văn hoá xã Cổ Đạm cho biết: "Cũng đã nhiều lần Viện âm nhạc VN mời câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm 1 vào cung đình Huế biểu diễn, tham gia làm phim giới thiệu về nghệ thuật ca trù và để chuẩn bị hoàn tất hồ sơ đệ trình lên UNESCO. Sắp tới bà Mơn sẽ được Bộ văn hoá thông tin tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian di sản ca trù”.
Bà Mơn bên ngôi nhà chỉ vừa kê đủ chiếc giường, nằm nép mình dưới chân núi Hồng Lĩnh. Ảnh: Ngô Phan. |
Ấm áp như tình mẫu tử
Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của bà Phan Thị Mơn nằm khép mình bên chân núi Hồng Lĩnh. Mỗi ngày có gần chục người đến đây học hát ca trù. Do căn nhà quá chật (chỉ rộng 6-8 m2) nên mỗi khi các ca nương đến học thường phải xếp ghế ngồi ngoài sân, vườn.
Bà tâm sự: “Cổ Đạm là cái nôi di sản ca trù nổi tiếng từ Bắc vào Nam, một thời tôi là đào nương đi hát ca trù khắp xứ Trung Kỳ. Nhưng giờ về già, thấy thế hệ con cháu thường hát những loại nhạc mới, nghĩ về ca trù mà thấy buồn lòng, xót xa. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ cố gắng truyền lại hết cho con cháu trong xã”.
Những đêm trăng thanh gió mát bà Mơn cùng những người bạn già ngồi ngâm ca những làn điệu ca trù. Năm 2000, bà Mơn lưng còng chống gậy đến từng gia đình vận động các bạn trẻ học hát ca trù. Lúc đầu là các em học sinh, sau đó các chị trong làng người con bồng, con bế cũng đến xin được học hát. Được sự ưu ái, khuyến khích của chính quyền địa phương, câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm 1 do bà Mơn làm chủ nhiệm, kiêm dạy ca trù miễn phí đã ra đời từ đó.
Cứ mỗi sáng mỗi chiều, các ca nương, anh kép lại cắp sách đến trường, ra đồng cấy cày… Nhưng vào buổi chính trưa, đêm đến lại cùng nhau lên câu lạc bộ sên phách đàn ca.
Hiện nay, câu lạc bộ ca trù đã có gần 70 thành viên tham gia luyện tập hằng ngày.
Nguyễn Ngô Phan