Kết quả khảo sát được ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) nói tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn, chiều 17/3.
"Sở đã giao các phòng giáo dục tiếp tục tổ chức tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh", ông Trọng nói.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM. Ảnh: Hữu Công
Theo ông Trọng để chuẩn bị tiêm vacicne cho trẻ 5-11 tuổi, ngành giáo dục thành phố đã yêu cầu các cơ sở giáo dục lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vaccine Covid-19; tập huấn quy trình, cấp tài khoản điểm tiêm để nhập thông tin của trẻ lên hệ thống; tuyên truyền cho cha mẹ, người giám hộ của trẻ.
Trả lời câu hỏi "trẻ không tiêm vaccine thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi học tập hay không?", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nói rằng từ trước đến nay, việc tiêm vaccine và tham gia học tập trực tiếp là hai hoạt động tương đối độc lập.
"Đối với trẻ chưa tiêm vaccine, ngành giáo dục sẽ quan tâm và có những biện pháp chăm lo để bảo vệ tốt nhất cho các em chứ không hạn chế tham gia hoạt động giáo dục với các bạn cùng lớp, cùng trường", ông Trọng nói.
Cũng liên quan đến kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh 5-11 tuổi, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, nắm sát số lượng trẻ để tổ chức điểm tiêm phù hợp với từng thời điểm. Công tác khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, hướng dẫn cha mẹ theo dõi trẻ tại nhà... cũng được tập huấn kỹ lưỡng.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM ước tính 950.000 trẻ 5-11 tuổi đã đi học và 20.000 trẻ chưa đi học trong diện được tiêm vaccine Covid-19.
Hữu Công