Ngày 28/2, anh A Hành (44 tuổi, ngụ thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng) cho biết gia đình bị nhổ hơn 300 cây sâm, tương đương 20 kg (giá trị khoảng 4 tỷ đồng). Số bị mất này nằm trong hơn 2.000 cây được anh và 3 người khác trồng từ năm 2015. Đến nay, cây được 9-10 năm tuổi, trọng lượng mỗi củ 50-100 gram.
Ngoài hộ anh Hành, nhiều người dân huyện Tu Mơ Rông cũng bị nhổ trộm sâm Ngọc Linh vào dịp Tết, tập trung ở các xã Đăk Na, Đăk Sao, Tê Xăng, Ngọc Lây... Thống kê ban đầu, số lượng sâm bị mất trộm khoảng 800 cây. Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm đếm, chưa xác định cụ thể thiệt hại.
UBND huyện Tu Mơ Rông đã lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công an vào cuộc điều tra. Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp tái diễn, Chính quyền đã vận động người dân thay nhau túc trực trên vườn 24/24 giờ; lắp đặt camera ở những nơi đảm bảo điều kiện.
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng ở độ cao 1.200-2.000 m nằm trên dãy Trường Sơn, được trồng nhiều nhất ở Quảng Nam và Kon Tum. Toàn huyện Tu Mơ Rông hiện trồng hơn 1.700 ha sâm.
Do chứa nhiều hoạt chất bổ dưỡng và rất quý hiếm, sâm có giá dao động 150-300 triệu đồng mỗi kg. Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.
Trước đây, người dân lấy sâm từ tự nhiên. Khi cây có giá trị, họ đã vào rừng khai thác nên cạn kiệt. Để phát triển loài dược liệu quý, gần đây nhiều hộ trồng sâm trong rổ nhựa, dưới tán rừng già. Quá trình chăm sóc, họ thêm mùn núi, các chế phẩm vi sinh bón bổ sung cho cây, không dùng phân bón.
Các khu vườn thường được rào bao quanh thép B40, chủ vườn thay phiên nhau trông coi. Tuy nhiên vườn sâm nằm trong rừng sâu, việc giám sát khó khăn, thỉnh thoảng xảy ra mất trộm.
Trần Hóa