Theo Đề án số hóa truyền hình, đến năm 2015, sẽ có khoảng 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số. Tỷ lệ này phấn đấu đạt 100% vào năm 2020. Tín hiệu sau khi số hóa sẽ có chất lượng cao hơn, phù hợp với các nội dung ở định dạng HD (độ phân giải cao) hoặc 3D.
Để xem được truyền hình số, TV phải tích hợp bộ giải mã (từ khi sản xuất), trong khi đa phần thiết bị đang dùng ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này do sử dụng chuẩn tín hiệu truyền hình tương tự (analog) hoặc chuẩn truyền hình số kiểu cũ (DVB-T) thay vì DVB-T2 theo kỹ thuật mới.
Theo các chuyên gia về kỹ thuật truyền hình, người dân có thể mua thêm đầu thu giải mã (set-top box) gắn ngoài hoặc thay thế TV công nghệ mới. Giá các bộ set-top box dao động trong khoảng 1-2 triệu đồng, tùy đơn vị sản xuất. Thiết bị này sẽ giúp các hộ gia đình tiếp tục xem được các chương trình quảng bá (miễn phí, phát toàn quốc hoặc theo địa phương) trên thiết bị cũ của mình. Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 22 triệu hộ có TV thì có hơn 16 triệu hộ đang theo dõi truyền hình quảng bá.
Còn lại, các thuê bao truyền hình trả tiền, bao gồm cáp số, cáp analog, số vệ tinh và IPTV (truyền hình trên nền Internet) không phải chuyển đổi thiết bị trong lộ trình số hóa. Trao đổi với VnExpress, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết: "Khách hàng khi đăng ký truyền hình trả tiền đã được tặng hoặc mua bộ giải mã tín hiệu từ nhà cung cấp, do đó vẫn có thể xem TV bình thường mà không cần sắm thêm thiết bị phụ trợ".
Phát biểu tại buổi họp báo về kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn 2013-2015 sáng 13/3, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Nhà nước sẽ trích 1.700 tỷ đồng từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ thiết bị cho các hộ nghèo, cận nghèo và chính sách. Theo đó, những gia đình thuộc diện trên sẽ được hỗ trợ bộ đầu thu tín hiệu giải mã truyền hình số khi các hộ đã có sẵn TV.
Việc này sẽ được thực hiện vào cuối quá trình số hóa truyền hình. Lãnh đạo Bộ cho biết hiện Hà Nội có khoảng 40.000 hộ, Đà Nẵng cũng có hơn 10.000 hộ nghèo...
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ xem xét ban hành quy định không kinh doanh thiết bị thu truyền hình mặt đất theo chuẩn cũ. Đồng thời sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) theo từng khu vực giai đoạn 2015-2020.
Số hóa truyền hình là quá trình chuyển từ truyền hình tín hiệu tương tự (analog) sang truyền hình kỹ thuật số. Với công nghệ tín hiệu mới, chất lượng và âm thanh được phát đi sẽ tốt hơn (nhiều kênh trên cùng tần số), không còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. So với chuẩn truyền hình số hiện nay là DVB-T thì thế hệ thứ hai DVB-T2 tăng dung lượng tối thiểu 30% trong cùng điều kiện thu sóng. Từ năm 2009 đã có rất nhiều quốc gia đưa DVB-T2 vào phát sóng thử nghiệm và đến nay nhiều nước bắt đầu triển khai truyền hình số mặt đất đều lựa chọn tiêu chuẩn DVB-T2 như Ấn Độ, Nga, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, các nước Đông Âu... Những nước đã triển khai phát sóng DVB-T đều có kế hoạch chuyển dần sang phát sóng tiêu chuẩn DVB-T2 và không tiếp tục mở rộng mạng DVB-T. |
Anh Quân