Trong hai giờ phỏng vấn trực tuyến với chủ đề "Phòng ngừa ung thư", hàng trăm câu hỏi của độc giả gửi về chương trình. Bạn đọc chia sẻ về trường hợp cụ thể, tình hình sức khỏe, hỏi chuyên gia về những vấn đề thắc mắc xung quanh bệnh ung thư thực tràng, u xơ tử cung, dạ dày...
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, trưởng đơn vị Xạ trị và y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ: Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo Yêu cầu - Bệnh viện K thông tin, dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể (các yếu tố nội sinh) có tính di truyền, 80% bệnh phát sinh là có liên quan đến hành vi và yếu tố môi trường sống. Cả hai chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.
Dưới đây là nội dung buổi tư vấn trực tuyến:
- Chất hóa thực vật là gì và chúng có làm giảm nguy cơ ung thư không? (Đan Thanh, 33 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, trưởng đơn vị Xạ trị và y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ:Chất hóa thực vật là một khái niệm khá mới, là các tinh chất có lợi được chiết xuất ra từ thực vật, được chế biến thành những sản phẩm bảo vệ sức khỏe con người. Chất giúp cho cơ thể tăng cường sức đề kháng để phòng chống nhiều loại tác nhân gây hại cho cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn và đào thải những chất có hại cho cơ thể. Từ đó, nó các tác dụng phòng chống một số các bệnh nói chung, ung thư nói riêng. Tuy nhiên, tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư còn đang nghiên cứu, chưa có kết luận rõ ràng.
Những sản phẩm này chúng ta có thể sử dụng được nhưng cũng không nên quá lạm dụng và đặt quá nhiều niềm tin vào nó.
- Làm cách nào để phát hiện sớm ung thư từng bộ phận ạ? Em thấy có nhiều người đi khám tổng quát nhưng không phát hiện ra ung thư. Sau một thời gian ngắn khi phát hiện đã giai đoạn cuối, vậy lý do ở đây là do đâu? (Phương Nam, 34 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo Yêu cầu - Bệnh viện K:
Sàng lọc ung thư là đi tìm dấu hiệu sớm của bệnh khi người bệnh chưa có biểu hiện về triệu chứng bất thường. Mục đích là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có thể điều trị được triệt để. Khả năng phát hiện sớm ung thư phụ thuộc vào từng bệnh ung thư. Không phải ung thư nào cũng có biện pháp hữu hiệu để phát hiện sớm và không có một phương pháp xét nghiệm chung nào để có thể sàng lọc phát hiện sớm cho tất cả loại ung thư. Mỗi loại ung thư có các phương pháp đặc thù để sàng lọc phát hiện sớm.
Ví dụ như ung thư vú, để phát hiện sớm, phải chụp nhũ ảnh; ung thư cổ tử cung cần xét nghiệm tế bào học cổ tử cung; ung thư đại trực tràng, cần nội soi...
Gói khám sức khỏe tổng quát không bao gồm tất cả xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư. Do vậy, bạn cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn về khuyến cáo và các gói khám sàng lọc ung thư chuyên sâu.
- Tôi vẫn thường xuyên ăn tỏi đen hàng ngày, bác sĩ cho biết tỏi có phòng được bệnh ung thư không? (Trúc Nhân, 31 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Tỏi đen là một sản phẩm có nguồn gốc thực vật và bằng các kỹ thuật, công thức chế biến thành. Trong tỏi đen có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, khoáng chất, kháng sinh tự nhiên, các vitamin. Những chất này rất có lợi cho cơ thể nói chung, khi chúng ta sử dụng cơ thể chúng sẽ cung cấp, bổ sung một lượng dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng giúp cho cơ thể khỏe mạnh, có thể phòng chống được một số bệnh thông thường. Tuy nhiên, với tác dụng phòng ung thư như bạn nói thì đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học kết luận.
Sản phẩm chỉ nâng cao hệ thống miễn dịch cơ thể, từ đó giúp cơ thể chống lại một số các bệnh thông thường. Đây là một sản phẩm tốt nhưng cũng không nên lạm dụng.
- Những dấu hiệu và cảnh báo có thể nhận biết sớm bệnh ung nói chung để có biện pháp thăm khám kịp thời khi đang còn giai đoạn đầu? (Phạm Văn Sơn, 33 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Chào bạn, các dấu hiệu báo động ung thư gồm:
- Vết loét lâu liền.
- Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ.
- Nuốt vướng, khó nuốt.
- Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu.
- Có khối u ở vú hay ở trên cơ thể.
- Hạch to lên không bình thường.
- Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo.
- Ù tai, nhìn đôi.
- Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
- Tôi muốn biết dấu hiệu của ung thư dạ dày, đại tràng. Cách phòng tránh. Và nếu bị thì chữa trị ra sao? (Hoàng Hải Sơn, 51 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Các dấu hiệu của ung thư dạ dày gồm:
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, chán ăn hoặc cảm giác ậm ạch khó tiêu.
- Nôn, buồn nôn.
- Đau bụng thượng vị.
- Đi ngoài phân đen.
- Vàng da, vàng mắt.
- Bụng chướng dịch.
- Sờ thấy u bụng.
Dấu hiệu ung thư đại tràng gồm:
- Thay đổi thói quen đại tiện: phân lúc lỏng, lúc táo bón mà không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn phân thu nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn phân.
- Đi ngoài phân nhày lẫn máu, hoặc đi ngoài phân đen.
- Người bệnh có thể tự sờ thấy khối u qua thành bụng hoặc hậu môn.
- Khối u lớn có thể lấp kín lòng đại tràng, trực tràng gây tắc ruột với các biểu hiện đau bụng, chướng bụng, bí trung đại tiện và nôn. Khi khối u phát triển qua lớp thanh mạc có thể dẫn đến thủng ruột gây viêm phúc mạc.
- Đi ngoài phân máu lâu ngày dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt, người mệt mỏi, xanh xao.
- Gầy sút cân, ăn kém không rõ nguyên nhân.
Để phòng tránh ung thư đại trực tràng và dạ dày, bạn nên tăng cường vận động thể chất; hạn chế ăn mỡ, thịt động vật, giảm phần calo từ chất béo, giữ cân nặng hợp lý; tăng cường ăn các chất xơ và quả tươi hàng ngày. Bạn cũng nên hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, xì dầu, thịt xông khói; tránh để những chất gây đột biến gen nhiễm trong thức ăn như: thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc tăng trọng. Bạn cũng nên hạn chế lạm dụng rượu, bia, thuốc lá. Bên cạnh đó, đối với bệnh dạ dày, bạn cần điều trị các bệnh viêm mạn tính niêm mạc dạ dày, nhất là diệt vi khuẩn HP.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn. Nhìn chung, ở giai đoạn sớm, vai trò chủ yếu là phẫu thuật, điều trị bổ xung thêm hóa trị cho một số trường hợp nhất định, có nguy cơ cao. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu điều trị bằng hóa trị và thuốc sinh học.
- Nếu như gen xác định nguy cơ gây ung thư thì chế độ ăn như thế nào có thể giúp phòng bệnh ung thư? (Lam Anh, 31 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Yếu tố gen trong bệnh ung thư có hai nội dung:
Trong một cơ thể bình thường từ khi sinh ra, các nhà khoa học nghiên cứu chỉ ra rằng: gen kìm hãm sự phát triển của ung thư, gen tạo điều kiện cho ung thư phá triển. Bình thường hai hệ gen này cân bằng nhau, kiềm chế nhau nên ung thư không phát triển. Khi con người trong quá trình trưởng thành sẽ chịu tác động của các yêu tố bên ngoài làm mất sự cân bằng này khiến ung thư phát triển.
Đột biến gen gây ung thư là những gen mới bị đột biến khi cơ thể chịu các tác động của các yếu tố như môi trường, ăn uống, virus... thì sẽ tác động vào làm đứt gẫy các gen, dẫn đến gen biến đổi, biến đổi nhiễm sắc thể, tế bào và gây ung thư.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa đến kết luận, chế độ ăn chiếm 30% nguyên nhân gây ung thư. Vì vậy, chế độ ăn rất quan trọng, có vai trò ngăn ngừa bệnh. Chúng ta ăn uống khoa học, ăn ít các chất gây hại: thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất tạo màu thực phẩm, sản phẩm màu sắc sặc sỡ có nguy nhiễm kim loại nặng. Các sản phẩm chứa các gốc tự do hoặc khi khi vào cơ thể sẽ sinh các gốc tự do thì làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Những thức ăn như dưa muối, cà muối, cá muối, thịt muối sẽ gây ra các nitrosamine - nguyên nhân gây ung thư đường tiêu hóa. Những thức ăn chiên, nướng, quay, hun khói, gác bếp cũng sinhh ra các chất tương tự, gây ung thư.
Chế độ lành mạnh là tăng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giảm thức ăn từ động vật. Thay vì ăn đồ chiên, rán, muối thì nên ăn đồ ăn luộc, hấp, kho...
- Đối với những người mắc ung thư và đã chữa trị thành công thì tỷ lệ tái phát lại sẽ như thế nào, thưa bác sĩ? (Việt Tùng, 42 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Mỗi ung thư có tiên lượng và nguy cơ tái phát khác nhau. Một số loại ung thư có tiên lượng tốt như: ung thư vú, tuyến giáp, đại tràng, tiền liệt tuyến... Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị triệt để, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 80% - 90%. Nhiều trường hợp có thể coi là khỏi bệnh. Ngược lại, một số loại ung thư tiến triển nhanh, ác tính như: ung thư gan, tụy, phổi... nguy cơ tái phát, tiến triển bệnh cao hơn sau điều trị ban đầu. Tuy nhiên, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh có nhiều cơ hội sống thêm kéo dài nhiều năm, không bệnh tái phát.
- Ăn thức ăn từ đậu nành có làm giảm nguy cơ mắc ung thư không? (Nguyễn Hương, 30 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Trước hết phải nói nghiên cứu mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh ung thư là rất khó vì thực phẩm có chứa nhiều loại chất và các thành phần hóa học khác nhau. Các nghiên cứu dịch tễ tiến cứu cũng rất khó theo dõi chính xác đối tượng tham gia ăn gì, lượng bao nhiêu trong một khoảng thời gian dài. Chính những khó khăn này đã đưa đến các kết quả không chắc chắn, và bất định của các nghiên cứu liên quan giữa chế độ ăn và bệnh ung thư.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy trong sữa đậu nành có chất có khả năng dự phòng ung thư. Nhưng một chất chống oxy hóa đơn lẻ không thể hoạt động hiệu quả bằng nhiều chất cùng tác động. Do vậy, ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp nâng cao tiềm năng phòng chống bệnh ung thư.
- Uống rượu có làm tăng nguy cơ mắc ung thư không? (Thanh Bình, 39 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Uống rượu, hút thuốc lá đã được các nhà khoa học chứng minh là nguyên nhân gây ung thư vùng đầu cổ, tiêu hóa. Khi phối hợp cả hai yếu tố này thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp nhiều lần.
Khi chúng ta uống rượu, chất cồn gây tổn thương tế bào niêm mạc họng, thực quản, dạ dày... Khi tình trạng này tiếp diễn nhiều lần, tế bào miêm mạc bị đốt cháy, sau đó lại tái sinh nhiều lần, lặp đi lặp lại. Trong quá trình đó sẽ có một số lần tế bào bị đột biến, đó là mầm mống phát sinh tế bào ung thư ở đường tiêu hóa trên và vùng đầu cổ.
Uống rượu còn thúc đẩy, hình thành ung thư gan khi người bệnh mang các yếu tố nguy cơ như nhiễm viêm gan virus B, C.
- Thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ tồn tại trong thực phẩm có phải là nguyên nhân gây ung thư? (Lam Khuê, 25 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Các yếu tố hoá học là các tác nhân chủ yếu gây bệnh ung thư ở người. 65% các bệnh ung thư là do hút thuốc, chất sinh ung thư trong thực phẩm không an toàn và môi trường ô nhiễm. Thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ là tác nhân hóa học sinh ung thư quan trọng.
Cổ nhân có câu: "Bệnh vào từ miệng và họa cũng từ miệng ra" phần nào đúng khi vận vào bệnh sinh ung thư. Bản thân thực phẩm không gây ung thư nhưng các chất sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm là nguyên nhân dẫn đến ung thư như: các thuốc bảo vệ thực vật, các thuốc kích thích tăng trọng trong chăn nuôi, hóa chất, phụ gia chế biến, bảo quản thực phẩm.
- Hiện nay có nhiều quan niệm sai lầm phổ biến trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư, như kiêng ăn, thậm chí kiêng tuyệt đối thịt, rau có màu đỏ để hạn chế ung thư phát triển... Điều này có đúng không? (Tuấn Long, 39 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Hiện nay, có nhiều quan điểm sai lầm về chế độ ăn cho người bệnh ung thư. Trong dân gian thường truyền tai nhau, người bệnh cần kiêng ăn chất dinh dưỡng, chất đạm một cách quá mức để cho tế bào ung thư không được nuôi dưỡng và chết đi. Đây là quan điểm rất sai lầm, bởi vì bản thân tế bào ung thư phát triển một cách vô hạn độ và nó tiêu thụ chất dinh dưỡng có sẵn trong cơ thể. Dù không được cung cấp nó cũng lấy dinh dưỡng từ các cơ quan lành của chúng ta.
Vì vậy, cơ thể sễ bị suy kiệt nếu không được bù đắp đủ dinh dưỡng từ bên ngoài vào. Ở người bệnh ung thư thì việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng là tối quan trọng, thậm chí cần tăng cường nhiều hơn so với người bình thường. Vì trong quá trình điều trị, những tác dụng của của phương pháp chữa trị sẽ làm cho bệnh nhân khó khăn trong việc hấp thu, mất cảm giác ngon miệng, việc ăn uống sẽ khó khăn, các thức ăn phải giàu dinh dưỡng để duy trì thể trạng tốt trong quá trình điều trị.
Người bệnh chỉ thực hiện chế độ dinh dưỡng theo đúng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa ung thư, không nên áp dụng chế độ ăn do người dân từ truyền miệng, kinh nghiệm dân gian.
- Thưa bác sĩ, bệnh ung thư có yếu tố di truyền không? Nếu có thì thường ở những bệnh ung thư nào? Làm cách nào để phòng ngừa các bệnh này? (Quang Trung, 35 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể (các yếu tố nội sinh) có tính di truyền, những nguyên nhân này thường là không thay đổi được. Ngược lại, hơn 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến hành vi và yếu tố môi trường sống, bao gồm: lối sống thiếu khoa học; các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu, chế độ dinh dưỡng không an toàn, hợp lý; các yếu tố liên quan nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường, gọi chung là các yếu tố ngoại sinh (từ bên ngoài cơ thể). Tuy nhiên, các yếu tố này là có thể thay đổi và phòng tránh được.
Một số đột biến gen liên quan đến di truyền ung thư được xác định điển hình như: đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có thể mắc ung thư vú, buồng trứng. Đột biến gien RB1 ở trẻ em có thể mắc ung thư nguyên bào võng mạc mắt, bệnh đa polyp tuyến gia đình có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Các ung thư liên quan đến di truyền mặc dù không dự phòng được vì không thay đổi được nguyên nhân bệnh sinh nhưng có thể tầm soát phát hiện sớm và điều trị triệt để kịp thời.
- Chào bác sĩ, làm sao để biết sớm ung thư? Ung thư có lây nhiễm trong sinh hoạt bình thường và trong quan hệ vợ chồng? (Đức Mạnh, 39 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Ung thư là một bệnh được mệnh danh là kể giết người âm thầm, nó phát triển từ mức độ tế bào, phải nhìn dưới kinh hiển vi mới thấy. Sau đó phát triển dần lên thành bằng tấm, hạt gạo, tiếp theo phát triển thành khối u lớn, cón thể nhìn thấy bằng mắt thường. Qúa trình này thường kéo dài nhiều năm, không gây triệu chứng khó chịu cho cơ thể nên chúng ta không phát hiện được.
Khi khối u gây những triệu chứng khó chịu cho cơ thể, người bệnh phải đi khám thì ung thư đã phát triển ở giai đoạn muộn. Vì vậy, để phát hiện sớm ung thư, không còn cách nào khác, chúng ta phải khám sàng lọc bệnh ung thư. Mức độ sàng lọc được chia ra thành nhiều cấp độ.
Đầu tiên sẽ sàng lọc các đối tượng có nguy cơ, ví như trong gia đình có người bệnh ung thư rồi đến các nhóm tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư như: tia xạ, hóa chất, vi khuẩn. Thứ ba là khám sức khỏe định kỳ, 6 tháng một lần, hoặc một năm một lần.
Bệnh ung thư là bệnh không lây nhiễm nhưng những yếu tố thúc đẩy phát sinh ung thư thì có yếu tố lây nhiễm. Ví dụ như các virus, vi khuẩn.
Trong quan hệ vợ chồng không lây nhiễm ung thư nhưng có thể làm lây nhiễm các yếu tố gây bệnh. Ví dụ viirus HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, hạ họng, ung thư vòm. Virus viêm gan B,C cũng lây qua đường máu và quan hệ tình dục gây ung thư gan. Vi khuẩn HP là nguyên thúc đẩy ung thư dạ dày...
- Bệnh nhân ung thư sau đợt điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) một thời gian nay đã ổn định (ăn uống ngon trở lại, hết bị nôn và khó chịu), vậy có còn bị yếu tố sụt cân trong ung thư ảnh hưởng nữa không? Cần chú ý gì trong chế độ ăn uống? (Lưu Hà Mai, 39 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Nhìn chung khi bệnh ung thư đã được điều trị ổn định và người bệnh trở lại chế độ ăn bình thường, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng thì không còn nguy cơ gây sút cân. Không có chế độ dinh dưỡng chung cho tất cả người bệnh ung thư mà tuỳ thuộc vào đặc điểm bệnh, phương thức điều trị, tình trạng bệnh nhân, thể lực, chỉ số cân nặng để quyết định chế độ dinh dưỡng theo cá thể. Tuy nhiên có một số nguyên tắc chung là phải duy trì có một chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, chế biến ngon miệng, đảm bảo cho cơ thể đủ năng lượng chống đỡ lại bệnh tật và các tác dụng phụ do điều trị.
hông thường các bác sĩ sẽ khuyên một chế độ ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm đường, đạm, chất béo, vitamin, nước, khoáng chất. Trong một số trường hợp cụ thể, có thể cần phải tăng cường năng lượng và hàm lượng nhiều hơn các chất đạm, đường trong bữa ăn. Ngoài ra, cần lưu ý giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.
- Tôi 52 tuổi, ở An Giang, khám sức khỏe định kỳ qua siêu âm phát hiện có hai khối u trong bàng quang. Tôi thấy lo lắng vì không biết đây là u lành hay ung thư. Tôi nên làm sao? (Mạnh Hùng, 33 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Trường hợp của bác siêu âm phát hiện u bàng quang cần đến cơ sở chuyên khoa khám và nội soi bàng quang sinh thiết khối u để chẩn đoán xác định.
- Chế độ ăn thực dưỡng có làm giảm nguy cơ mắc ung thư không ạ? (Bích Thu, 57 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh chế độ ăn thực dưỡng có tác dụng phòng chống ung thư. Quan điểm này xuất hiện trong dân gian là do xuất phát từ chế độ kén dinh dưỡng để bỏ đói tế bào ung thư.
Nhưng tế bào ung thư dù không được cung cấp dinh dưỡng nó vẫn lấy dinh dưỡng từ cơ thể để phát triển, dẫn đến cơ thể thiếu dinh dưỡng và suy kiệt. Chế độ ăn thực dưỡng sẽ làm bệnh nhân suy kiệt thêm, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm chức năng và cản trở quá trình điều trị bệnh ung thư do thể trạng bệnh nhân suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng.
- Người đang mang thai có được tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung không? (Thu Trang, 30 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Các nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn của vắc-xin dự phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung không bao gồm nhóm đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú. Do vậy, không có dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn trên nhóm phụ nữ có thai. Người mang thai không khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Lứa tuổi nên tiêm loại vắc-xin này là từ 11 đến 26 tuổi, tốt nhất là trước khi quan hệ tình dục.
- Tôi bị ung thư đại tràng, mới mổ từ đầu tháng 9, đã uống thuốc xạ trị được 3 đợt, còn 5 đợt nữa. Tôi nghe nói, với những người bị bệnh tiểu đường thì tỷ lệ bệnh tái phát lại trong 2 năm đầu là rất cao. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Hải Minh, 56 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Tỷ lệ tái phát của bệnh trên các nhóm bệnh nhân là như nhau. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn có mắc bệnh nền tiểu đường thì trong quá trình điều trị sẽ có những khó khăn nhất định, tùy theo mức độ nặng của bệnh tiểu đường.
Nếu bệnh của bạn ảnh hưởng đến chức năng gan thận thì quá trình điều trị hóa chất sẽ khó khăn hơn đối với bệnh nhân bình thường, vì phải điều chỉnh liều của hóa chất cho phù hợp với chức năng gan thận. Vì vậy có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả điều trị. Còn nếu chức năng gan, thận của chị vẫn trong giới hạn bình thường thì bác sĩ sẽ không phải điều chỉnh liều lượng cùng như phác đồ điều trị. Vì vậy kết quả điều trị cũng như tỷ lệ tái phát di căn giống như người bình thường.
- Một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp ngăn ngừa ung thư hoặc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư? (Thanh Sơn, 45 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Khoa học y học từ lâu đã thừa nhận chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Ngược lại, chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, hoa quả và các ngũ cốc dạng nguyên hạt, có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng. Đó là nhờ hiệu lực của những chất xơ, chất chống oxy hoá trong các loại rau quả và ngũ cốc.
Trong khi đó chế độ giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, chất đạm động vật, nhiều các loại thịt đỏ, đặc biệt là các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói, làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng. Hơn nữa chế độ ăn nhiều thịt với hàm lượng đạm, chất béo cao có thể dẫn đến béo phì, ít vận động, là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều ung thư. Như vậy, ở người ăn nhiều trái cây, rau củ và có khuynh hướng ăn ít các loại thực phẩm năng lượng cao có nguồn gốc động vật, sẽ giúp duy trì một thể trạng mạnh khỏe, cân nặng hợp lý và thực sự có tác dụng bảo vệ, giảm thiểu rủi ro phát sinh bệnh ung thư.
- Bệnh nhân ung thư có nên uống các loại multivitamin không? Vitamin nào thừa thì bất lợi cho bệnh nhân ung thư? (Thanh Lam, 37 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Multivitamin là một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng chứa nhiều loại vitamin thiết yếu cho cơ thể, tùy theo sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau mà thành phần của nó có thể thay đổi. Cơ thể của bệnh nhân ung thư giống người bình thường, rất cần cung cấp các loại vitamin này. Tuy nhiên có loại vitamin b12, Folate (B9) đã được nghiên cứu, khuyến cáo không nên dùng cho bệnh nhân ung thư vì kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
Nhưng, trong trường hợp bệnh nhân ung thư có biểu hiện thiếu máu thì vẫn phải bổ sung hai chất này vì đó là nguyên liệu chính để tồng hợp tế bào máu.
- Folate là gì và có thể phòng bệnh ung thư được không? (Hương Lan, 29 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Folate hay còn gọi là vitamin B9, đã được nghiên cứu, khuyến cáo không nên dùng cho bệnh nhân ung thư vì kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
Nhưng, trong trường hợp bệnh nhân ung thư có biểu hiện thiếu máu thì vẫn phải bổ sung hai chất này vì đó là nguyên liệu chính để tồng hợp tế bào máu.
- Tôi nghe nói sụt cân nhanh là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến quá trình điều trị? (Bích Thư, 45 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Tình trạng gầy sút sẽ dẫn đến suy kiệt, không đủ sức khoẻ để đương đầu với bệnh tật cũng như chịu đựng, dung nạp được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị. Hệ luỵ là không thực hiện được đầy đủ liệu trình điều trị, ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Do vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh phải đảm bảo chế độ ăn đa dạng, phong phú và đầy đủ năng lượng.
- Bác sĩ cho biết đang điều trị ung thư thì có nên tập thể dục không? Với người bình thường tập thể dục thường xuyên có làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư không? (Tuấn Tài, 45 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quá trình vận động, tập thể dục thể thao có tác dụng nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng cường đào thải các gốc tự do, chất thải độc hại ra khỏi cơ thể, từ đó tác dụng phòng chống bệnh tật nói chung, ung thư nói riêng.
Bệnh nhân ung thư vẫn cần tập thể dục thể thao theoo thể trạng cho phép, trong quá trình điều trị bệnh ung thư cần phải dùng tia xạ hóa chất... nên tác dụng phụ của các phương pháp này gây cho bệnh nhân mệt mỏi, uể oải, khó chịu nên việc tập thể dục thường không được thực hiện nên các bác sĩ ung thư khuyến cáo bệnh nhân nên tăng cường tập thể dục để cải thiện tâm trạng, tinh thần., góp phần trong hiệu quả điều trị bệnh.
Đối với người bình thường, tập thể dục, thể thao cũng góp phần có tác dụng tích cực để phòng các loại bệnh nói chung, ung thư nói riêng.
- Hiện nay thường có những quan niệm sai lầm nào trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư? (Phan Hồng Hà, 51 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Quan niệm phổ biến nhất là ăn chay, không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được. Điều này không có cơ sở khoa học. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo đấy là một chế độ ăn chay lành mạnh và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu không sẽ phản tác dụng, dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để đương đầu với bệnh ung thư cũng như các tác dụng phụ của các liệu pháp chống ung thư.
Quan niệm phổ biến thứ hai là thực phẩm chức năng có tác dụng chữa trị ung thư. Xét trên khía cạnh y học thực chứng, không có dữ liệu nghiên cứu khoa học chắc chắn về hiệu quả điều trị ung thư của thực phẩm chức năng. Các thực phẩm chức năng cũng không có trong các khuyến cáo, hướng dẫn thực hành điều trị ung thư quy chuẩn, uy tín của quốc tế.
- Thưa bách sĩ, dấu hiệu triệu chứng của bệnh u sơ tử cung là gì, cách phát hiện u xơ tử cung sớm, cách phòng ngừa? (Hương Mai, 35 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Chung:
U xơ tử cung bản chất là một sự quá sản của tế bào xơ, sợi nằm trong thân tử cung. Qúa trình phát triển từ rất nhỏ và lớn dần nên các dấu hiệu của u xơ tử cung thường xuất hiện muộn và mơ hồ. Người bệnh rất hiếm khi tự phát hiện được khi có những dấu hiệu rõ ràng thì khối u đã rất lớn.
Những dấu hiệu ở giai đoạn này thường là: tức, nặng, ậm ạch ở vùng bụng dưới, có thể gây ra máu bất thường và những cơn đau ở vùng bụng dưới. Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối u ở vùng bụng dưới. Có những trường hợp khối u gây ra, chèn ép, kích thích vào bàng quang, gây buồn đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu són hoặc kích thích vào trực tràng gây buồn đại tiện nhiều lần. Nhưng đây là những dấu hiệu giai đoạn muộn, khối u đã to. Vì vậy, để phát hiện sớm u xơ tử cung thì phải đi khám sức khỏe định kỳ, và đơn giản nhất là siêu âm tử cung phần phụ, chi phí rẻ, dễ thực hiện.
U xơ tử cung thường xuất hiện do cơ địa của mỗi người nên có cách nào đặc hiệu để phòng bệnh. Chúng ta chỉ còn cách phát hiện sớm, điều trị sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tối đa ảnh hưởng của bệnh.
- Thừa cân có tăng nguy cơ gây ung thư không? Dầu ô liu có ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư không? (Mạnh Hà, 33 tuổi)
- Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Anh:
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì và ít vận động thể lực có nguy cơ cao mắc ung thư cũng như các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa. Do vậy, giữ cân nặng hợp lý và vận động thể lực là một trong các khuyến cáo dự phòng ung thư. Hiện chưa có dữ liệu cho thấy dầu ô liu liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư.
Chúng tôi cảm ơn độc giả đã gửi câu hỏi về chương trình!
Ngọc Thi