Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết các cơ quan liên Bộ sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện TikTok Việt Nam từ ngày 15/5 đến hết tháng.
Theo Kế hoạch được Bộ ban hành tháng 4 và vừa được bổ sung, việc kiểm tra sẽ được thực hiện với Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam và Văn phòng đại diện của TikTok Việt Nam tại TP HCM. Nội dung sẽ xoay quanh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, gồm tám vấn đề chính.
Đầu tiên là việc chấp hành quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng trong nước. Các quy định này bao gồm quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn và gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, xử lý khiếu nại của người dùng.
TikTok cũng sẽ bị kiểm tra về thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng; và việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Mạng xã hội cũng sẽ phải cung cấp cách thức về quản lý các "idol TikTok", tức những người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên nền tảng.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ xem xét việc chấp hành quy định về quảng cáo; quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng, việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Với việc phát triển TikTok Shop nhưng để tồn tại nhiều mặt hàng vi phạm, TikTok cũng bị kiểm tra việc tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Về tính tác động, các cơ quan tham gia sẽ đánh giá ảnh hưởng của TikTok đối với thanh thiếu niên Việt Nam, cùng với đó là tác động của mạng xã hội đến xu hướng và vai trò của truyền thông chính thống.
"Trong quá trình tổ chức Đoàn kiểm tra, nếu có vấn đề phát sinh, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung", bản kế hoạch có đoạn.
Ra mắt thị trường trong nước từ tháng 4/2019, TikTok hiện có 50 triệu người dùng tại Việt Nam, với nội dung đặc trưng là các video ngắn. Mới đây, nền tảng bổ sung TikTok Shop và nhanh chóng là một trong những nền tảng thương mại điện tử được dùng nhiều nhất trong nước.
Tại cuộc họp đầu tháng 4, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá TikTok có sáu vi phạm tại Việt Nam. Nền tảng chưa có biện pháp kiểm soát nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em, nội dung vi phạm bản quyền, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh người khác để bôi nhọ. Hoạt động của các "idol TikTok" không được quản lý tốt, dẫn đến nhiều người có xu hướng tạo nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo "trend" để thu lời từ những nội dung này
Ngoài ra, nền tảng dùng thuật toán phân phối tự động nhằm tạo xu hướng, dẫn đến tình trạng phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ. TikTok cũng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái.
Phản hồi về việc sắp bị kiểm tra khi đó, đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết "rất trông chờ đón tiếp đoàn công tác liên ngành vì sẽ là cơ hội để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ và có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai".
Lưu Quý