Theo kế hoạch được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, 8 địa phương thực hiện báo cáo chuyên đề nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị gồm UBND các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng; Cần Thơ; tỉnh Nghệ An; Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam Định.
Một số cơ quan cũng được giao nhiệm vụ này gồm Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban trung ương MTTQ, Văn phòng Quốc hội; các bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Nội vụ và Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành xây dựng nội dung đề án.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị; thực trạng phân cấp giữa chính quyền thành phố với quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn và đề xuất các nội dung phân cấp cụ thể. Ảnh: H.Hà - X. Chính. |
Theo Ban chỉ đạo trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, hiện, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn. Từ đó xác định mô hình tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế hoạt động phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền.
Ban chỉ đạo cũng nêu định hướng nghiên cứu với 3 phương án về mô hình tổ chức, trong đó chú trọng xác định nội dung cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị. Theo đó, phương án 1, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo 3 cấp hành chính như hiện nay, xác định rõ mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động mới đối với chính quyền đô thị theo hướng phân biệt với chính quyền nông thôn.
Phương án 2, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo 3 cấp hành chính như hiện nay, nhưng có sự đổi mới về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp với xu hướng tổ chức chính quyền đô thị hiện đại của các nước trên thế giới. Phương án 3, cải cách mạnh chính quyền địa phương, xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo mô hình mới là chính quyền một cấp đại diện, hai cấp hành chính.
Trong các báo cáo chuyên đề của 8 địa phương nêu trên, Phó Thủ tướng lưu ý nội dung đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị và quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong chính quyền đô thị hoặc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị; thực trạng phân cấp giữa chính quyền thành phố với quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn và đề xuất các nội dung phân cấp cụ thể khi xây dựng chính quyền đô thị...
Thời gian hoàn thành các báo cáo này là trước 30/7/2012. Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị sau khi hoàn thiện sẽ được trình Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Nhật Lam