Khi bão hoành hành. Nguồn ảnh minh họa: my.opera.com |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h chiều nay, tâm bão còn cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70 km. Cường độ bão giảm từ cấp 13 xuống cấp 9-10. Khả năng đêm nay, bão tiếp tục duy trì hướng giữa tây và tây tây bắc, tốc độ 20-25 km mỗi giờ, đi dọc theo biên giới Việt - Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Đông Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (còn cấp 7).
Đến 4h sáng mai, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực vùng núi phía bắc. Như vậy, trước khi suy yếu thành một vùng áp thấp, bão sẽ sượt qua Quảng Ninh, Lạng Sơn và đổ bộ vào Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang. Khu Đông Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão giật trên cấp 8. Ở Bắc Bộ có mưa lớn, riêng vùng núi mưa rất to.
Tại Quảng Ninh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết, lúc 17h chiều nay, bão số 6 đã gây gió mạnh cấp 6 ở đảo Bạch Long Vĩ, cấp 5 ở đảo Cô Tô. Ở Quảng Ninh đã có mưa to. "Trên biển, tàu thuyền đã về nơi neo đậu an toàn. Ở đất liền, mọi phương án đối phó với bão đã sẵn sàng. Lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác của trung ương đang có mặt ở Móng Cái để chỉ đạo phòng chống mưa bão", nhân viên trực ban của Ban chỉ huy tỉnh thông báo.
8 tỉnh miền núi phía Bắc được cảnh báo bão sẽ đổ bộ, hoặc chịu ảnh hưởng ảnh hưởng trực tiếp là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên. |
Tại Lạng Sơn, anh Bùi Văn Thanh, trực ban Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, chiều nay tỉnh chỉ có mưa nhỏ, gió đạt cấp 1-2. Theo dự báo, tâm bão chỉ sượt qua vùng biên giới giữa Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc), nhưng do chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nên tỉnh phải sẵn sàng phương án đối phó.
Với đặc thù nhiều sông suối, tỉnh đã ra lệnh cấm dân vớt củi khi có lũ, những điểm trường phải đi qua sông thì cho học sinh nghỉ học. "11 huyện và thành phố trong tỉnh đã sẵn sàng di dời khoảng 100 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở. Chiều nay, 3 đoàn cán bộ của tỉnh đã xuống các huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định để kiểm tra lần cuối công tác đối phó với bão", ông Thanh thông báo.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF. |
Từ Cao Bằng, Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nguyễn Đình Chương cho biết, 17h mưa mới lất phất, chưa có gió. "Tuy nhiên, chúng tôi xác định bão sẽ đi qua Cao Bằng, nên đã chỉ đạo tất cả xã trong tỉnh đêm nay phải bố trí lực lượng trực 24/24. Khi quan sát thấy mưa to, có dấu hiệu sạt lở thì trực ban phải gõ kẻng và thông báo bằng loa đánh thức bà con dậy để chạy bão", ông Chương nói.
Về việc di dời dân, ông Chương cho biết, rút kinh nghiệm từ trận mưa bão, lốc xoáy năm 2006 làm 6 người chết, tỉnh đã yêu cầu xã nào cũng phải rà soát, khoanh vùng nguy hiểm và địa điểm trú ẩn để khi có tình huống khẩn cấp thì nhân dân chủ động chạy đến đó. Trước mùa mưa năm nay, tỉnh đã sơ tán 200 hộ dân ở những vùng từng bị sạt lở đến nơi an toàn.
Tại 3 huyện trọng điểm là Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, nơi núi cao, dốc dựng đứng và nhiều khe núi, lực lượng quân sự địa phương đã trực sẵn để khẩn trương cứu hộ khi có tình huống xấu. "Hiện quốc lộ 34 từ Lạng Sơn qua Cao Bằng và đến huyện xa nhất là Bảo Lâm rất xuống cấp. Nếu Bảo Lâm gặp nguy hiểm thì sự chi viện từ tỉnh xuống là rất khó khăn", ông Chương lo lắng.
Sau Cao Bằng, theo dự báo, bão số 6 sẽ đi vào Hà Giang. Ông Nguyễn Văn Bào, Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết tỉnh đã cho di dời hơn 80 hộ dân của huyện Xí Mần, Bắc Mê và Yên Minh, nơi xuất hiện nứt núi, đến nơi an toàn. Những vùng nguy hiểm như ven sông suối, khe núi, đã được cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở để người dân chủ động phòng tránh.
"Tại mỗi xã, dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên sẽ chịu trách nhiệm trực 24/24h để cảnh bão bão. Nếu thấy mưa lớn thì đánh kẻng, khua chiêng báo động bà con. Lực lượng này cũng chịu trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn tại chỗ khi có tình huống xấu", ông Bào thông báo. Tỉnh cũng đã hoãn hội nghị học tập nghị quyết trung ương 7 khóa 10 vào ngày mai, hoãn tất cả đoàn công tác ra vào tỉnh.
Ông Bào cho biết, lo nhất hiện nay là huyện Hoàng Su Phì vì địa hình chia cắt, độ dốc lớn và huyện Xí Mần nền đất không ổn định, đang trong quá trình trụt sượt. "Chỉ cần mưa lớn hơn 100 mm trong vài tiếng là những địa bàn này có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét", ông Bào nói.
Hồng Khánh