Tại ngã tư Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành (quận 4), thủy đài khổng lồ cao gần 30 m nằm án ngữ trong khuôn viên của công ty cấp nước hàng chục năm nay. Thủy đài xây bằng bêtông, hình cây nấm với đường kính đáy khoảng 5 m, phía trên hơn 10 m. Từ chân lên tháp thủy đài bằng cầu thang sắt nhưng đã hư hỏng, rỉ sét.
Sống cạnh thủy đài này hơn 30 năm, ông Nguyễn Hoàng Hùng cho biết, tháp nước cao bằng ngôi nhà 8 tầng nhưng bị bỏ hoang từ khi ông chuyển về đây sinh sống. "Khi nhỏ tôi và mấy anh em trong xóm hay trèo lên cầu thang sắt để lên trên cao ngắm cảnh xung quanh. Tháp này đúc bêtông chắc lắm, mấy chục năm nó vẫn vậy", ông Hùng chia sẻ.
Hiện, trên địa bàn thành phố còn 7 thủy đài tương tự nằm rải rác tại nhiều điểm như: góc đường Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (quận 11), gần Trung tâm Văn hóa quận 5, hẻm 198 Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), đường Ba Tháng Hai (quận 10), Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) và Phạm Phú Thứ (quận 6).
8 thủy đài này do người Mỹ thiết kế, xây dựng từ năm 1965 đến 1969 và nằm chung một hệ thống. Chúng được thi công đồng loạt với mục đích ổn định nguồn nước cho các khu vực ở xa nhà máy nước Thủ Đức (hoàn thành năm 1966) như Gò Vấp, quận 11, quận 6....
Các tháp nước có cơ cấu và nguyên lý hoạt động như hệ thống hầm chứa, bồn nước mà người Pháp xây dựng trước đây. Điểm khác là thủy đài Mỹ xây được đưa lên độ cao gần 30 m.
Theo thiết kế, các thủy đài được xây dựng để điều áp nguồn nước. Buổi tối, khi người dân ít sử dụng sẽ dư ra một lượng nước lớn, phần nước dư này sẽ tự động bơm lên các thủy đài. Còn ban ngày người ta xài nhiều, thủy đài sẽ tự động mở van để bơm nước trở lại vào mạng lưới cung cấp.
Tuy nhiên, khi xây dựng xong các thủy đài này không được đưa vào vận hành được cho là do bị rò rỉ nước khi thử nghiệm. Công tác khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành. Sau khi tiếp quản, việc sửa chữa được TP HCM xem xét tới nhưng không thực hiện được nên bị bỏ hoang đến nay.
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, đơn vị đang quản lý 8 thủy đài khổng lồ do chế độ cũ để lại, tổng dung tích gần 50.000 m3 và công suất bơm khoảng 480.000 m3 một ngày. Từ khi xây dựng đến nay, các thủy đài này chưa được sử dụng, tất cả kết cấu vẫn còn đảm bảo an toàn nhưng vài cái có hiện tượng rò rỉ.
Trước tình trạng này, giữa năm 2009, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề nghị Sawaco nếu có nhu cầu sử dụng các thủy đài phải tổ chức kiểm định chất lượng, làm cơ sở để phục hồi. Đối với các thủy đài không có nhu cầu sử dụng phải lập thủ tục thanh lý, tháo dỡ, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Bạch Vũ Hải - Phó Tổng giám đốc Sawaco - cho biết, đơn vị đang đưa ra hai hướng giải quyết. Thứ nhất là thuê chuyên gia vào kiểm tra rồi xử lý các vị trí gây rò rỉ nước để sử dụng. Phương án thứ 2 là đập bỏ để lấy quỹ đất làm bể ngầm chứa nước, tăng cường nguồn nước chữa cháy cho thành phố.
"Đây chỉ là phương án, đơn vị sẽ phải xin chỉ đạo từ thành phố nhưng giải pháp nào cũng phải tính toán sự cần thiết. Cũng cần xem lại khu vực có thủy đài nguồn nước có ổn định không, nếu đảm bảo mà vẫn sử dụng thủy đài là lãng phí", ông Hải nói.
Một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng cho rằng, chi phí để đập bỏ các thuỷ đài còn cao hơn số tiền bỏ ra xây dựng vì công trình rất kiên cố. Việc tái sử dụng 8 thủy đài cũng tiềm ẩn rủi ro do tuổi thọ lâu đời cũng như chưa quen cách thức vận hành dẫn đến mất an toàn mạng lưới cung cấp nước.
Ngoài 8 thủy đài hình nấm khổng lồ, hiện TP HCM còn quản lý hơn 100 thủy đài khác nhưng nhỏ hơn và một phần đã xuống cấp.
Sơn Hòa