"New Look New Laque" (Vẻ đẹp mới của sơn mài) đánh dấu lần đầu hợp tác của Hanoia với nghệ sĩ Gilles Jonemann - một trong những người đặt nền móng cho dự án Petit h của Hermès. Sẽ có 24 tác phẩm được trưng bày tại Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội, mở cửa miễn phí từ 8h00 đến 21h00 trong thời gian triển lãm. "Các tác phẩm phát triển từ đồ vật sơn mài của Hanoia từng qua sử dụng, kết hợp với nét chấm phá khác thường của nghệ sĩ Gilles Jonemann nhằm khắc họa cách nhìn riêng của ông về văn hóa Việt Nam. Những món đồ này mang giá trị bền vững, giàu bản sắc, hứa hẹn chinh phục người xem", đại diện ban tổ chức cho hay. Dưới đây là 8 tác phẩm nổi bật nhất tại sự kiện cùng câu chuyện về cảm hứng sáng tạo. Tác phẩm "Ngọc thực" Khi ghé thăm các cửa hàng đồ cổ, Gilles Jonemann tìm thấy vài lưỡi liềm chuyên dùng để gặt lúa gạo thời xưa. Ông cắt phần chuôi và cố định phần lưỡi vào chiếc bát vàng để tạo nên vòng cung đẹp. Tác phẩm gợi hình ảnh mùa lúa nước bội thu, pha trộn giữa yếu tố truyền thống với hiện đại. Tác phẩm "Tân Sửu" Khi sang Việt Nam tập hợp nguyên vật liệu cho "đứa con tinh thần" của mình hồi cuối năm 2019, Gilles đã tìm thấy cặp sừng đen tại xưởng Hanoia và lập tức nghĩ sẽ lắp chúng lên chiếc bình tráng đen vì gợi liên tưởng hình ảnh con trâu. Về sau, ông đặt tên tác phẩm là "L’année du Buffle" (năm Tân Sửu). Trước đó, bạn bè ông từng đề xuất tên "Ô Mon Buffle !" (Ôi Trâu ơi!) vì gần gũi với văn hóa, phong tục Việt Nam. Tác phẩm "Thiền định" Trên chiếc đĩa tráng sơn mài, Gilles đặt chiếc vòng lồng các quả chuông được mua tại một tiệm đồ cổ ở Hà Nội. Tuy không biết rõ chức năng thực tế, nhưng tổng thể tác phẩm giống một người đang ngồi thiền, ngẫm nghĩ về cuộc đời. Tác phẩm "Lực" "Lực" là một trong những tác phẩm Gilles tâm đắc nhất bởi thách thức về kỹ thuật. Nghệ sĩ phải đục lỗ để luồn thanh quế khổng lồ ở góc chéo mà không làm hỏng lớp tráng sơn mài. Ông cố định quế bằng hai thanh gỗ mun, giấu ốc vít một cách tinh tế. Tác phẩm hàm ý khẳng định sức mạnh, khả năng vượt lên chính mình. Tác phẩm "Phi hành" Với vẻ ngoài khiêm tốn, tác phẩm rất quan trọng với Gilles, đánh dấu lần đầu nghệ sĩ thực hiện thể loại trang trí vật dụng tráng sơn mài. Chiếc bình được chế tác tháng 2/2020 - giai đoạn giãn cách lần một do Covid-19. Thoạt nhìn, mọi người có thể nghĩ chiếc bát bị vỡ đôi, nhưng trên thực tế đồ vật được cắt bằng các công cụ chuyên nghiệp làm thành phần tay cầm cho tác phẩm. Tác phẩm "Tự" Để hoàn thành tác phẩm này, Gilles đã ghép các mảnh móc quần áo cũ bằng tre trên bình tráng màu vàng ánh kim. Khi nhìn tổng thể, bản thân ông - vốn xa lạ với văn hóa Á Đông - liên tưởng đến hình ảnh ngôi chùa, để lại cảm giác bình dị. Tác phẩm "Dấu vết" Tác phẩm đòi hỏi sự khéo tay của nghệ nhân vì phải cưa các đường nứt và đục lỗ để luồn vải mà không làm vỡ bình hay ảnh hưởng lớp sơn mài bao phủ. Gilles dùng vải thổ cẩm "khâu vá vết thương" trên bình, đem lại cảm giác thô mộc nhưng tổng thể hài hòa. Tác phẩm "Thi ca" Hình ảnh chim đậu trên thành bát đem lại vẻ thơ mộng. Tác phẩm có thể khiến người xem liên tưởng cảnh chú chim nhỏ sà xuống mép hồ uống nước hoặc đang thưởng thức đồ ăn được chủ chuẩn bị sẵn. Hiếu Châu (ảnh: Gilles Jonemann)