Dưới đây là những cách các nhà hàng hay dùng để tiết kiệm chi phí, có thể khiến bạn nghĩ lại về thói quen ăn hàng, theo RD:
Nấu sẵn đồ ăn
Thời gian là tất cả trong thế giới nhà hàng. Nếu phải đợi lâu, khách có thể sẽ không quay lại nữa. Để nhanh xong, các đầu bếp có thể nấu sẵn từ trước và khi cần chỉ đun nóng lại, thêm chút nước sốt hay lá gia vị. Đây là bí mật mà các nhà hàng không bao giờ cho bạn biết.
Không đeo găng tay
Nhiều nhân viên nhà hàng không hề đeo găng tay khi đụng tới đồ ăn. Một nghiên cứu do Food Safety News thực hiện cho thấy 62% nhân viên nhà hàng dùng tay trần vừa cầm thịt bò sống rồi đụng tới các thực phẩm khác mà không hề rửa tay trước.
Không giặt khăn ăn
Khi ăn uống, rất khó tránh làm rơi, rớt ra khăn ăn và đây sẽ là chỗ cho nhiều vi khuẩn trú ngụ. Nhưng, nhiều nhà hàng, nhất là lúc quá đông khách, sẽ chỉ rũ khăn sau khi khách dùng hoặc lau sạch các vết bẩn mà không hề giặt.
Nhân viên bị ốm, bệnh
Sự thật đáng buồn là các nhân viên trong ngành dịch vụ nhà hàng không được trả lương cao. Họ cũng ít dám nghỉ khi bị ốm, mệt. Cố làm việc khi đó, những vi khuẩn bệnh từ họ có thể dễ dàng lây lan tới thực phẩm bạn ăn.
Dùng thực phẩm quá hạn
Vứt bỏ các đồ ăn quá hạn sẽ tốn một khoản tiền lớn. Vì thế, đôi khi, những người quản lý nhà hàng có thể chọn cách dùng lại, miễn là nó vẫn có thể ăn được.
Không bảo quản thực phẩm đúng cách
Thịt, gia cầm, hải sản và sữa không phải lúc nào cũng được trữ ở nhiệt độ phù hợp tại nhà hàng. Tủ đông, tủ lạnh có thể được dùng để đựng quá nhiều đồ hoặc thực phẩm có thể bị để ở ngoài lâu. Bỏ đi những thứ hỏng khá tốn kém nên đôi khi nhà hàng sẽ vẫn chế biến lại và hy vọng không khách nào gặp vấn đề khi ăn.
Rửa bát qua loa
Vì quá vội hay tiết kiệm, không ít nhà hàng chỉ tráng bát, đĩa dưới vòi nước nóng hoặc rửa qua loa cho nhanh xong.
Dùng lại đồ ăn phụ
Một số nhà hàng hay quán bar đặt sẵn những đĩa bánh hay hạt lạc trên bàn cho khách ăn thêm. Khi đĩa vơi, họ có thể chỉ bốc thêm vào nên bạn có thể ăn phải đồ lưu cữu.
Vương Linh