1. Vung tay quá trán
Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được là kỹ năng quản lý tài chính cần thiết. Một số người giàu có trên thế giới coi đây là nguyên tắc tiên quyết. John Templeton, nhà đầu tư nổi tiếng, luôn tiết kiệm 50% khoản tiền thu về, dù ít hay nhiều. Nếu con số trên là quá lớn, thì bạn có thể xem xét ở mức 10-15%.
Lời khuyên: Bạn cần thời gian để điều chỉnh theo thói quen không tiêu vượt quá nguồn tài chính hàng tháng. Sự thay đổi đột ngột sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống khiến bạn không đủ kiên trì để đạt được mục tiêu.
2. Không quá bận tâm tới giá
Giá một thương vụ, bữa ăn, bộ quần áo không phải là yếu tố quyết định. Những người thành công nghĩ tới giá trị của chúng nhiều hơn là việc phải trả bao nhiêu. Trong đầu tư, họ cân nhắc tới triển vọng của việc gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Đối với những món đồ cá nhân, họ chọn sản phẩm chất lượng tốt để kéo dài thời gian sử dụng.
Ví dụ, họ sẵn sàng trả hơn 4,5 triệu đồng để mua một đôi giày cao cấp, nhưng có thể sử dụng tới vài năm, không tốn nhiều chi phí sửa chữa, chăm sóc.
Lời khuyên: Nên chọn hàng hóa chất lượng cao để hạn chế việc phải thay thế đồ mới.
3. Không điều chỉnh tài chính sau những thay đổi lớn trong đời
Bạn mới kết hôn, mua nhà hay chào đón một thành viên mới? Sau những thay đổi lớn này, tài chính nhà bạn sẽ thay đổi, thường theo xuống hướng thâm hụt nhiều hơn bởi những khoản chi đều gia tăng. Người thành đạt đều có kế hoạch chu toàn cho những biến đổi lớn từ trước đó, và chắc chắn sẽ điều chỉnh chi tiêu của gia đình sau khi sự kiện xảy ra.
Lời khuyên: Quản lý tài chính phải theo kế hoạch dài hơi để chuẩn bị cho những biến động trong cuộc đời.
4. Hài lòng với thu nhập hiện tại
Số đông thường dễ dàng chấp nhận cuộc sống với mức thu nhập hiện tại, nhưng những người sung túc lại làm điều ngược lại. Họ luôn tìm cách để làm tăng con số thu về mỗi tháng. Tỷ lệ gia tăng thu nhập càng lớn thì bạn càng có nhiều lựa chọn cho những sở thích cá nhân, khả năng chi trả linh hoạt và giảm nỗi lo về rủi ro tài chính.
Thậm chí họ nghĩ tới mục tiêu tăng thu nhập hàng ngày. Ví như sẵn sàng tham gia khóa học tăng kỹ năng quản lý, tiến hành biện pháp thúc đẩy năng suất lao động của nhân viên.
Lời khuyên: Với một dự án cá nhân, sau khi thành công, hãy tìm hiểu lợi nhuận cao nhất người khác có thể thu được. Họ sẽ đặt mục tiêu tương tự để lần sau cố gắng.
5. Không bao giờ tổng kết tài chính
Để thành đạt, sở hữu số tiền dư giả cần thói quen ổn định và bền vững, bao gồm việc thường xuyên tổng kết tình hình tài chính của chính mình. Những người giàu có dành 30-60 phút mỗi tháng để xem xét lại vốn liếng trong các dự án đầu tư, tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ… Khi phát hiện sự bất hợp lý hay khoản thâm hụt nào đó, họ sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
Lời khuyên: Đặt lịch cố định mỗi tháng để kiểm tra tình hình tài chính nhằm điều chỉnh kế hoạch chi tiêu cho tháng sau.
6. Dễ dãi đầu tư mạo hiểm
Warren Buffet từng chia sẻ: “Nguyên tắc số một là không bao giờ được thua lỗ”. Những người thành công hiểu rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát rủi ro như thế nào và thường chia nhỏ vốn cho nhiều dự án để giảm tối thiểu rủi ro.
Lời khuyên: Trước khi quyết định đầu tư, bạn cần suy nghĩ cẩn trọng, đưa ra nhiều câu hỏi về mọi khả năng có thể xảy ra.
7. Không thừa nhận điểm yếu của mình
Với chuyện tiền bạc, đầu tư tài chính, có rất nhiều thông tin khác nhau để bạn lĩnh hội. Đừng vờ như hiểu tất cả để bỏ qua điểm yếu của mình khi quyết định rót tiền vào dự án nào đó. Warren Buffet hiểu rõ đâu là gót chân Asin của mình và chỉ tập trung vào những gì là thế mạnh.
8. Trở thành nô lệ của đồng tiền
Giàu có là cái đích mà ai cũng hướng tới và khao khát có được. Tuy nhiên, những người thành công hiểu rõ tiền bạc chỉ là một phần của cuộc sống thành công. Dư giả tài chính mà sức khỏe thiếu hụt chứng tỏ bạn đã vạch ra chiến lược sai lầm.
Lời khuyên: Cần cân bằng giữa mục tiêu tài chính, gia đình, sự nghiệp và các hoạt động khác.
Huy Nghĩa (Theo Lifehack)