Hàng chục năm dõi theo những nỗ lực phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhận xét 8 năm qua, đặc biệt nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, là giai đoạn "xoay chuyển tình hình".
"Chuyển biến đó thể hiện bằng những con số và việc làm cụ thể", ông Hùng nói và dẫn chứng số liệu từ Ban Nội chính Trung ương. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án; 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Với 133 vụ, 94 việc thuộc diện nêu trên, các cơ quan đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, gồm một Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...
Theo ông Hùng, nhiều vụ, việc lâu nay được cho là "vùng cấm, nhạy cảm", kéo dài từ những năm trước, liên quan đến cán bộ cấp cao song đã được các cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, xét xử theo quy định pháp luật; đơn cử như vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng; vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án AVG; vụ án Đinh Ngọc Hệ...
Một trong những vụ án ông Hùng ấn tượng nhất là vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, khi lần đầu tiên 2 cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng bị xét xử công khai về tội nhận hối lộ, một lãnh đạo doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước về tội đưa hối lộ. Cũng trong vụ này, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 100%, với hơn 8.000 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), "cột mốc" quan trọng tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ thời gian qua, là việc Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, tháng 2/2013.
Giai đoạn trước năm 2013, Việt Nam đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng làm Trưởng ban. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc Ban Chỉ đạo chuyển sang cơ chế Đảng trực tiếp lãnh đạo, đứng đầu là Tổng bí thư, "là yếu tố quan trọng nhất đưa đến những kết quả vừa qua".
"Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vì vậy, Tổng bí thư, Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, vừa thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, vừa giúp triển khai các công việc liên quan có nhiều thuận lợi", ông Minh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Quốc Hùng nhớ lại, thời ông còn công tác (giai đoạn trước năm 2006), chưa có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xuyên suốt các đại án. Mỗi vụ án lớn như Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Thủy cung Thăng Long..., đều thành lập Ban chỉ đạo do Trưởng hoặc Phó Ban Nội chính Trung ương phụ trách.
"Hạn chế của thời kỳ đó là chỉ có Ban chỉ đạo ở từng vụ cụ thể. Còn những năm gần đây, Ban Chỉ đạo hoạt động xuyên suốt với các phiên họp định kỳ và được quy định nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng. Đây là yếu tố rất quan trọng để đưa quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn một cách liên tục, bài bản", ông Hùng nói.
Phân tích những khâu mấu chốt giúp "xoay chuyển tình hình" thời gian qua, ông Vũ Quốc Hùng đề cập đến "sức mạnh tổng hợp" từ các lĩnh vực kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Trong đó, một đúc kết quan trọng, đã được Ban Nội chính Trung ương đưa vào báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, là kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự.
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng bí thư liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh (tháng 6/2016), ông Hùng nói lúc đó tưởng như đây là một vi phạm nhỏ vì chỉ liên quan đến cán bộ cấp tỉnh ở Hậu Giang. Tuy nhiên, đằng sau sự việc một cán bộ đi xe Lexus tư gắn biển xanh, khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc đã làm "lộ sáng" nhiều vấn đề lớn.
Cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chọn những điểm "nóng", những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội để kiểm tra, đơn cử như việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ngân hàng BIDV...
"Trong hàng loạt vụ việc, chúng ta chứng kiến sự vào cuộc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, của kỷ luật Đảng đã mang tính chất mở đường, công phá thành lũy tiêu cực", ông Hùng nói và nhận định cơ chế "mở đường" này đã tạo tiền đề cho những động thái tiếp theo của các lực lượng chức năng khác.
Ông Võ Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đề cập đến năm cấp độ phối hợp xử lý án tham nhũng, đã giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc đặt ra trong từng vụ án, như đánh giá chứng cứ, xác định tội danh...
"Theo luật hiện hành thì cơ quan tố tụng nào làm theo nhìn nhận của cơ quan đó, nên nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ, việc xử lý vụ án sẽ bị kéo dài. Cơ chế năm cấp độ này giúp đảm bảo tiến độ các công việc liên quan theo yêu cầu", ông Dũng giải thích.
Cấp độ một, nếu vụ án đang được cơ quan tố tụng xử lý có khó khăn thì thủ trưởng của ngành chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan khác để giải quyết các vướng mắc.
Trong giai đoạn điều tra, thủ trưởng cơ quan điều tra tổ chức cuộc họp mời Viện kiểm sát, toà án, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương dự để trao đổi, tháo gỡ. Nếu vụ án nằm ở giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát chủ trì, ở giai đoạn xét xử thì toà án chủ trì; trường hợp chưa thống nhất, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để bàn tháo gỡ.
Nếu vẫn chưa thống nhất thì chuyển sang cấp độ hai, do Thường trực Ban Bí thư (Phó trưởng Ban chỉ đạo) chủ trì cuộc họp liên ngành.
Cấp độ ba là họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước (Trưởng ban), các phó trưởng ban...
Cấp độ bốn là họp toàn thể Ban chỉ đạo để giải quyết, nếu chưa xong sẽ chuyển lên cấp độ năm là họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
"Ban chỉ đạo không chỉ đạo tội danh, mức án cụ thể mà đặt ra yêu cầu là phải làm thế nào đảm bảo tiến độ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không được thiên vị, không được oan sai, không được nhẹ tay mà phải làm nghiêm minh", ông Võ Văn Dũng nói thêm.
Bên cạnh kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng nêu trên, theo ông Minh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng đã được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện trong 8 năm qua.
Trong đó, tính riêng từ năm 2016 đến tháng 5/2020, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 80 văn bản nhằm tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 62 luật, một pháp lệnh, 66 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 611 nghị định, 532 nghị quyết, 197 quyết định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
"Thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hành lang chính trị, pháp lý nhằm hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; sao cho trong xử lý tham nhũng là không có vùng cấm, còn trong phòng ngừa thì tiến tới không thể tham nhũng", ông Minh nói.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, khai mạc sáng 12/12/2020. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì;
tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Hội nghị được tổ chức tập trung tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội) và được truyền trực tuyến tới 80 điểm cầu tại các tỉnh, thành; các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong quân đội với khoảng 5.000 đại biểu tham dự.
Hoàng Thùy - Viết Tuân