Trước khi những quy định mới về xác thực sinh trắc học được ban hành, đơn vị đã từng bước xây dựng nền tảng công nghệ nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch tài chính cá nhân.
Năm 2016, TPBank ra mắt LiveBank 24/7, tích hợp đồng bộ công nghệ định danh điện tử, từ đó, đặt nền móng cho Bio Center, hệ thống kho dữ liệu công dân và xác thực sinh trắc học tập trung "made-in-Vietnam". Đến nay, đơn vị đã thu thập khoảng 4,5 triệu mẫu khuôn mặt khách hàng qua các kênh LiveBank 24/7 và Mobile Banking.
Tháng 4/2022, TPBank ra mắt Bio Center, nơi tập trung, cung cấp các thông tin liên quan đến dữ liệu sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt, giọng nói... và dữ liệu dân cư, gồm: thông tin căn cước công dân, giấy tờ tùy thân. Đây là hệ thống nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình số hóa của TPBank, đặc biệt trong việc xác thực danh tính (eKYC) khách hàng.
Thay vì áp dụng trên các kênh đơn lẻ, TPBank phát triển Bio Center theo hướng mô hình đa kênh (Omnichannel). Nhờ đó, dữ liệu khách hàng được đồng bộ và kết nối trên tất cả các kênh trong hệ sinh thái của nhà băng. Người dùng đăng ký dữ liệu sinh trắc học một lần trên ứng dụng TPBank, quầy giao dịch hoặc LiveBank 24/7 để có thể thực hiện giao dịch trên tất cả các kênh của ngân hàng bằng nhận diện sinh trắc học.
Ngân hàng ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt mô hình Face Search với khả năng tìm kiếm và so khớp một ảnh khuôn mặt với kho dữ liệu hơn một triệu ảnh khuôn mặt tương đồng, từ đó, nhận diện chính xác khách hàng. Người dùng không cần khai báo thêm thông tin cá nhân để xác thực bước hai.
"Bio Center đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái số của ngân hàng khi tiếp nhận yêu cầu của tất cả kênh số trong hệ sinh thái, sau đó, phân tích, xử lý dữ liệu và điều phối tới đối tác, dịch vụ", đại diện nhà băng nói thêm.
Với Bio Center, TPBank được vinh danh Giải thưởng Sao Khuê 2024 tại lĩnh vực "Giải pháp thúc đẩy tiếp cận số".
Các bước chuẩn bị này đều hướng tới mục tiêu tạo nên hệ thống xác thực bảo mật tuyệt đối. Theo nghiên cứu của Trung tâm dịch vụ tài chính thuộc Công ty kiểm toán Deloitte, ước tính đến năm 2030, gian lận danh tính, một trong những cách thức lừa đảo phổ biến nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, có thể gây ra tổn thất đến 23 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Con số này đòi hỏi các ngân hàng phải phát triển hệ thống bảo mật tiên tiến hơn. Từ đó, công nghệ sinh trắc học được vận dụng như một phương thức đáp ứng bối cảnh trên. Tại Mỹ, những "ông lớn" như Bank of America, Citibank hay Wells Fargo đều đang tăng tốc áp dụng dữ liệu sinh trắc học trong hoạt động.
Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, yêu cầu người dùng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng.
Sau quyết định này, TPBank đã chuẩn hóa và thực hiện bổ sung các quy định về việc thu thập, xác thực sinh trắc học bằng việc đưa thêm giải pháp đọc NFC lấy thông tin từ căn cước công dân vào quá trình so khớp với những cơ sở dữ liệu sinh trắc học cũ.
Tại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu từ tất cả các kênh. Sự đa dạng kênh thu thập dữ liệu giúp ngân hàng tăng khả năng phục vụ, đồng thời, giảm thời gian, công sức cho khách hàng và nhân lực nhà băng.
Bên cạnh đó, với gần 150 điểm giao dịch ở các thành phố lớn, LiveBank 24/7 thu thập dữ liệu khách hàng xuyên suốt 24 giờ. Qua hệ thống này, giao dịch viên hỗ trợ có thể giúp cá nhân gặp khó trong thao tác trên các kênh online hay không thể sắp xếp thời gian trong giờ hành chính tới quầy giao dịch, có thể chủ động thời gian thực hiện các dịch vụ tài chính cá nhân.
Việc làm chủ các mô hình AI tiên tiến và xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học cũng giúp nhà băng này phát triển mô hình kinh doanh bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường. Đồng thời, TPBank có khả năng phát hiện sớm các rủi ro, sẵn sàng ứng phó với các thủ đoạn lừa đảo công nghệ tinh vi trên thị trường và tránh phụ thuộc vào đối tác.
"Việc này góp phần thúc đẩy xây dựng toàn diện hệ thống sinh trắc học không chỉ của ngành tài chính ngân hàng, mà còn giúp xanh hóa nền kinh tế số", đại diện đơn vị khẳng định.
Nhật Lệ