Dự án công viên khoa học công nghệ được UBND TP HCM chủ trương thành lập từ năm 2010 tại phường Long Phước, quận 9 (nay là TP Thủ Đức). Mô hình công viên khoa học công nghệ được xây dựng với mục tiêu tập trung phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo, sản xuất thử nghiệm trong các ngành công nghiệp nền tảng bao gồm: vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ y sinh và tự động hóa.
Chính quyền thành phố thời kỳ đó cho rằng, việc thành lập công viên khoa học quy mô 203 ha phù hợp với quy hoạch khu đại học bố trí tại phường Long Phước, tạo điều kiện kết nối giữa giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công nghệ cao với các đại học, cao đẳng. Từ chủ trương này, tháng 2/2015, UBND TP HCM ra quyết định thành lập công viên khoa học công nghệ, giao Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) làm chủ đầu tư và cơ quan quản lý hoạt động.
Tuy nhiên, đến nay sau nhiều lần điều chỉnh, dự án vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc nhiều thủ tục. Báo cáo của SHTP gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 nêu rõ, dự án công viên khoa học chưa được cấp vốn chuẩn bị dự án và nguồn vốn triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong quá trình triển khai, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây công viên khoa học, giá đất biến động tăng cao, khiến tổng mức đầu tư dự án không đủ đảm bảo chi trả bồi thường. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 4.260 tỷ đồng, vài năm sau đó lên 11.000 tỷ đồng và dự kiến 14.700 tỷ đồng (theo dự thảo đề án ban hành hôm 4/5).
Ngoài ra, vướng mắc quy hoạch 1/2000 chưa được phê duyệt khiến việc lập dự án đầu tư chưa thực hiện do chưa đảm bảo pháp lý, chưa đủ cơ sở xác định hạ tầng khung, chi phí và tổng mức đầu tư có tính khả thi. Theo SHTP, quy hoạch 1/2000 đang được lấy ý kiến các sở ngành liên quan để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Vướng mắc khác, theo Luật đầu tư công, với dự án công viên khoa học có nguồn vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia nên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương khiến thời gian thực hiện mất thêm ít nhất 2 năm nếu được thông qua.
Để đẩy nhanh tốc độ dự án, trong dự thảo đề án mở rộng Khu công nghệ cao TP HCM bổ sung chức năng công viên khoa học công nghệ, SHTP đề xuất chính quyền thành phố ưu tiên bố trí các nguồn vốn triển khai công tác chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng hạ tầng. SHTP cũng đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành quyết định mở rộng Khu công nghệ cao với diện tích 195,6 ha. Cơ quan này cũng kiến nghị cho phép tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án xây dựng hạ tầng thành hai dự án riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm triển khai.
Tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về dự án công viên khoa học hôm 5/5, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên trưởng ban quản lý SHTP cho rằng, dù được thành phố phê duyệt năm 2015, nhưng đến nay dự án vẫn còn loay hoay, bàn bạc nhiều năm chưa có kết quả. Theo ông, ngoài vướng mắc về cơ chế, yếu tố con người cũng khiến dự án triển khai chậm. Ông cho rằng, dự án chậm trễ cả chục năm thì thành phố khó lòng phát triển, chưa tương xứng với vị thế đầu tàu kinh tế cả nước.
Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM Nguyễn Anh Thi cho biết, sắp tới sẽ làm việc với các chuyên gia, nhà đầu tư thảo luận tìm mô hình quản trị, triển khai dự án theo lộ trình nhanh nhất có thể. Ông cam kết thời gian tới sẽ mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn để dự án thực hiện sớm, góp phần phát triển công nghiệp của thành phố.
Theo dự thảo, dự án công viên khoa học công nghệ sẽ thực hiện trong 10 năm, giai đoạn 2024 - 2034, quy mô diện tích 194,8 ha với các phân khu chức năng. Trong 10 năm triển khai đầu tư xây dựng, dự án chia thành 2 kỳ với 7 năm đầu (2024 - 2031) thực hiện chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương, phê duyệt báo cáo tiền khả thi, bồi thường giải phóng mặt bằng di dời hộ dân, bố trí tái định cư và thu hồi đất. Việc san lấp mặt bằng xây dựng hạ tầng cấp thiết như giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải cũng thực hiện trong giai đoạn này,
Giai đoạn 2 từ 2031 - 2034 xây dựng các hạ tầng còn lại và tổ chức xúc tiến đầu tư.
Hà An