"Tôi buộc anh phải vận động, cắt đứt sự ỷ lại vào xe lăn và chấp nhận cõng anh kể cả suốt đời", Bích giải thích.
Hy vọng của người phụ nữ 33 tuổi ở thôn Đống Cao, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc không phải không có cơ sở. Chồng chị, anh Dương Cao Thành bị liệt 20 năm giờ đã có thể đứng được vài giây sau nhiều năm vật lý trị liệu.
Anh Thành và chị Bích quen nhau qua lời giới thiệu của một người chú năm 2015. Thành chấn thương tủy sống từ năm 13 tuổi sau một vụ tai nạn xe máy. Ba năm điều trị nhưng không đạt hiệu quả, anh bị liệt, phải ngồi xe lăn. Dù vậy, Thành vẫn cố gắng tự làm mọi việc, tránh phụ thuộc nhiều vào người thân.
Từ ngày được giới thiệu với Bích, cô gái đang làm phụ hồ tại Hà Nội, chàng trai nuôi hy vọng có một mái ấm gia đình. Khi cô gái về quê tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang làm vụ mùa giúp mẹ, Thành được người chú chở đến nhà làm quen nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Không nản, anh xin ở lại nhà người quen cách nhà Bích 500 m, ba tháng ròng cứ 20h lại nhờ người thân chở đến nhà cô. Ban đầu chỉ mẹ Bích ra tiếp, còn cô gái trốn trong phòng. Mỗi ngày, nghe lỏm cuộc nói chuyện giữa chàng trai khuyết tật và mẹ, Bích nhận ra Thành hiền lành và chân thật.
Thời điểm đó vào mùa lúa nên có những hôm Bích về nhà muộn. Thành sang chơi thấy hai mẹ con nhặt rau nấu cơm cũng ghé vào phụ giúp. Có lần thấy rổ rau để trên cao, anh cố vịn tay vào tường, rướn toàn thân lấy bằng được rồi đưa cho Bích. Từ hôm đó, mỗi buổi tối cô gái ra tiếp chuyện chàng trai khi anh tới nhà.
Những tin nhắn, cuộc điện thoại giữa đôi trẻ nối tiếp sau đó. Thành kể với bạn gái về sự tự ti, cô độc của bản thân khi hai chân không đi lại được, cũng như mong muốn có một gia đình nhỏ với người vợ hiền và tiếng cười đùa của trẻ thơ. Còn Bích kể cho Thành những vất vả mưu sinh xa quê và cách cô gánh vác việc gia đình vì cha mất sớm. Hiểu nhau, dần dà đôi bên nảy sinh tình cảm. Sáu tháng sau, Thành ngỏ lời và một đám cưới ấm cúng diễn ra sau đó không lâu.
Hôm chụp ảnh cưới, vì phải di chuyển nhiều nơi nên việc sử dụng xe lăn khá bất tiện, Bích đề nghị cõng Thành. Nhưng thân hình 43 kg của cô gái không thể chịu được sức nặng 65 kg của chồng. "Từ nay em sẽ tập cho anh có phản xạ đứng, không phụ thuộc vào xe lăn nữa", Bích nói.
Trước khi lấy vợ, Thành chủ yếu di chuyển bằng xe lăn hoặc dựa vào sự trợ giúp của người thân. Sau khi kết hôn, Bích cất chiếc xe vào một góc, tình nguyện cõng anh mỗi ngày.
Ban đầu, để cõng được chồng, người vợ phải dùng hết sức xốc anh đứng thẳng, quay người vác lên vai rồi di chuyển từng bước ngắn, ngón chân bám chặt xuống đất tránh trượt ngã. Mỗi lần như thế Bích phải xoay xở hàng chục phút, người đẫm mồ hôi. Chị nói, nếu không làm vậy, chồng nằm hay ngồi lâu trên giường, trên ghế lưng mông dễ lở loét.
Những ngày đầu tập làm quen với sức nặng của chồng, cả hai ngã dúi dụi, có lần còn chảy máu đầu. Sau mỗi lần ngã, Bích đứng lại cho thật vững rồi mới tiếp tục bước đi. Từ quãng đường ngắn vài chục mét, chị cõng chồng đi được xa hơn, lên 200 rồi 300 mét, cứ mệt là nghỉ rồi lại tiếp tục. Dần thành quen, giờ mỗi ngày người phụ nữ này đều cõng chồng đi tắm rửa, vệ sinh cá nhân rồi vào bàn ăn cơm.
Với sự trợ giúp của vợ, Thành được đi nhiều nơi như đám cưới, hội hè đình đám, kể cả đến vườn hoa xem người già tập dưỡng sinh hay nhìn ngắm đám trẻ thả diều trên cánh đồng gần nhà. Hàng năm Bích đều đưa chồng đến tái khám định kỳ tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Chị cõng anh lên xuống xe, rồi từ cổng viện đến các khoa liên quan.
Anh Thành kể chưa khi nào thấy vợ kêu mệt. "Mỗi lần hỏi cô ấy đều bảo em vẫn đủ sức cõng được anh đi khắp thế gian", người chồng nói.
Thấy Bích cõng chồng, người lạ thường tò mò ngoái nhìn rồi chỉ trỏ. Họ trêu cảnh tượng này giống như "nhái bén cõng ếch". Lời ví von khiến Thành chạnh lòng, bảo vợ cho mình ngồi xe lăn nhưng thấy chị buồn, anh lại thôi. Bích luôn nói với chồng, ngồi xe lăn nhiều chân sẽ dần yếu, đến lúc không thể đứng rồi đi lại được nữa. "Giờ anh vẫn đứng được thì sau này nhất định đi được", chị nói.
Niềm tin của vợ tạo động lực tập luyện cho Thành mỗi ngày. Mỗi sáng ngủ dậy là anh tập đứng, dù chỉ được vài giây. Tiếp đó, anh dùng tay nâng hạ đôi chân liên tục để các khớp thêm linh hoạt. Dù tập một lúc là nhức chân, mỏi gối, mồ hôi vã ra nhưng từ 5 phút, Thành tập lên 10 rồi 20 phút. Sau 8 năm, hiện anh có thể tập liên tục 30 phút mà chưa thấy mệt. Những ngày nghỉ, Bích cùng tập luyện với chồng. Nếu vợ bận, Thành lại kiên trì tập một mình, chưa nghỉ ngày nào kể cả lúc đau ốm.
Gần một thập kỷ bên nhau, cặp đôi giờ đã có hai cậu con trai kháu khỉnh. Vì chồng sức khỏe yếu nên kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào việc phụ hồ, làm thợ may cũng như nông sản thu hoạch từ mảnh ruộng của người vợ.
Hai tháng trước, đoạn video cảnh Bích cõng chồng được một người bạn quay lại rồi đưa lên trang cá nhân khiến nhiều người biết tới. Một mạnh thường quân cảm động đã gửi tặng anh Thành một bộ máy vi tính để học bán hàng online, mong Bích bớt vất vả phần nào.
Đỗ Minh Hiếu, bạn thân của anh Thành, cũng là người quay clip chia sẻ muốn lưu lại làm kỷ niệm nhưng không ngờ những hình ảnh đó nhận được nhiều sự quan tâm và chia sẻ đến vậy.
"Dù Thành không may mắn vì chưa thể đi lại, nhưng bù lại cậu ấy có được một người vợ luôn sẵn sàng làm đôi chân cho chồng", Hiếu nói.
Với Thành, Bích cũng luôn là người tuyệt vời nhất. Đôi lúc vợ chồng giận nhau, nhưng vài phút sau chị lại chủ động làm hòa để anh cười. Một trong những điều khiến người đàn ông này luôn cảm thấy vững tin là dù đi đâu, làm gì, người vợ cũng luôn nói "Em sẽ ở đây cùng anh".
"Tôi mong một ngày ước mơ của Bích thành hiện thực, để tôi có thể cõng cô ấy trên đôi chân của mình", anh Thành nói.
Hải Hiền