1. Xác định nguồn gốc vấn đề
Việc cần làm đầu tiên là xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng Wi-Fi. Bài thử đơn giản có thể thực hiện bằng cách cắm cáp kết nối máy tính với router, rồi kiểm tra trên trang speedtest.net. Nếu đường truyền vẫn đạt tốc độ như nhà mạng cam kết, người dùng nên tiến hành kiểm tra tín hiệu kết nối Wi-Fi qua một thiết bị đặt gần điểm phát sóng.
2. Thay đổi vị trí router
Thay đổi vị trí router là một trong những cách để cải thiện chất lượng Wi-Fi trong nhà. Vê cơ bản, router được thiết kế để truyền tín hiệu theo mô hình xuyên tâm. Phần lớn các gia đình gắn router tại nơi gần ổ cắm, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu người dùng di chuyển thiết bị phát ở vị trí giữa các phòng cần tín hiệu Wi-Fi tốt.
3. Thay đổi kênh không dây
Phần lớn router hiện nay thuộc loại băng tầng kép, truyền và nhận dữ liệu qua tần số 2,4 Ghz và 5 Ghz. Dải tín hiệu Wi-Fi 2,4 Ghz và 5 Ghz được chia thành một số dải nhỏ hơn, còn gọi là các kênh không dây. Tuy nhiên, các thiết bị điện tử gia dụng như loa di động, lò vi sóng... có thể làm nhiễu sóng Wi-Fi. Hơn nữa, nếu nhà ở khu vực đông dân cư hoặc có nhiều điểm truy cập Wi-Fi, tình trạng này càng trở nên phổ biến.
Để thay đổi kênh không dây, người dùng cần truy cập vào trang thiết lập qua địa chỉ IP in bên dưới router. Nếu quên thông tin đăng nhập, người dùng có thể liên hệ với nhà mạng để xin cấp lại. Hầu hết router đều có chế độ tự động chuyển kênh độ nhiễu thấp. Ngoài ra, hãy lưu ý các kênh được cho là ít bị chồng chéo tín hiệu dành cho mạng 2,4 Ghz gồm một, sáu, chín và 11.
4. Cập nhật phần mềm của router
Thực tế, rất nhiều người quên nâng cấp firmware cho router kể từ khi lắp đặt. Quá trình này rất quan trọng, bởi các nhà sản xuất thường kết hợp cải thiện hiệu suất tổng thể và vá lỗi bảo mật bên trong các bản cập nhật. Để nâng cấp phần mềm của router, người dùng truy cập vào trang thiết lập (như đã giới thiệu phía trên). Ngoài ra, một số router cao cấp hỗ trợ người dùng cập nhật qua ứng dụng trên smartphone.
5. Dùng bộ kích sóng Wi-Fi
Bộ kích sóng Wi-Fi (Wi-Fi repeater) là thiết bị bổ sung giá rẻ để mở rộng phạm vi phủ sóng trong nhà. Loại này có thiết kế và nguyên lý hoạt động khá đơn giản, người dùng chỉ cần cắm điện và sử dụng. Tuy nhiên, hiệu quả của bộ kích sóng Wi-Fi cũng phụ thuộc vào vị trí lắp đặt. Ví dụ, bộ kích sóng Wi-Fi đặt ở nơi sóng kém thì tín hiệu phát ra chập chờn, không ổn định. Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng chỉ nên lắp bộ kích sóng Wi-Fi cách router chính khoảng 7 đến 10 mét, hoặc nơi smartphone bắt ổn định ba vạch sóng.
6. Dùng thiết bị Powerline
Powerline là công nghệ truyền sóng Wi-Fi thông qua mạng lưới điện trong nhà. Mỗi bộ Powerline gồm hai thiết bị đầu cuối cắm vào nguồn điện, điểm đầu kết nối với router. Dù có ưu điểm là dễ sử dụng, truyền tín hiệu xa và không bị ảnh hưởng bởi vật cản như tường, tốc độ kết nối phụ thuộc vào chất lượng hệ thống dây điện của gia đình.
7. Dùng hệ thống Mesh Wi-Fi
Mesh Wi-Fi là công nghệ mới nổi gần đây được nhiều người dùng sử dụng cho mạng Wi-Fi gia đình. Mỗi bộ Mesh Wi-Fi gồm hai hoặc nhiều thiết bị phát sóng độc lập hay gọi là các trạm hoặc nút (node), có kiểu dáng giống hệt nhau. Điểm đặc biệt là chúng giao tiếp liên tục với nhau qua cùng dải tần số để vừa mở rộng phạm vi phủ sóng, vừa đảm bảo tốc độ đường truyền ổn định ở mọi vị trí trong nhà. Quá trình cài đặt và vận hành cũng tương đối đơn giản, thông qua ứng dụng trên smartphone.
Tuy nhiên, giá thành là rào cản lớn nhất giữa người dùng và hệ thống Mesh Wi-Fi. Một bộ tiêu chuẩn với 3 node từ nhà sản xuất danh tiếng khoảng 10 triệu đồng, trong khi sản phẩm của nhà sản xuất Trung Quốc cũng có giá tối thiểu 3 triệu đồng.
8. Dùng router của bên thứ ba
Router tặng kèm của các nhà mạng đã tốt hơn nhiều so với vài năm trước, nhưng router của bên thứ ba luôn có chất lượng tốt hơn. Router thường được quảng cáo dựa trên tốc độ tối đa trên lý thuyết như AC1500 hay AC1900. Trong đó, AC viết tắt của chuẩn Wi-Fi 802.11ac (hay Wi-Fi 5) có tốc độ cao và cho phép truyền dữ liệu đa luồng qua nhiều ăng-ten tới một hay nhiều thiết bị cùng lúc. Số đằng sau đại diện cho tốc độ có thể lên tới 1.500 Mb/giây và 1.900 Mb/giây. Hiện nay, các nhà sản xuất đã giới thiệu một số mẫu router cao cấp đạt chuẩn 802.11ax (Wi-Fi 6) như Asus RT-AX88U. Tuy nhiên, giá thành của loại thiết bị này còn cao và thiết bị hỗ trợ khá hạn chế.
Việt Anh (theo Wired)