Theo Nghị quyết 112, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tức sổ hộ khẩu điện tử....
Tại tọa đàm Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu tổ chức tại báo Nhân dân, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trần Văn Vệ và nhiều lãnh đạo đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan vấn đề hộ khẩu.
- Nhiều người dân hiểu rằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân sẽ không còn hiệu lực từ ngày 30/10/2017, điều này được hiểu như thế nào?
- Quản lý hộ khẩu, trong đó có tạm trú, thường trú và giấy chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân chứng minh nhân thân của mỗi con người, không thể bỏ được. Các nước trên thế giới cũng không bỏ được hộ khẩu.
Sau khi xây dựng hoàn thiện xong cơ sở dữ liệu dân cư mỗi người sẽ có số định danh chứa đựng 15 trường thông tin cơ bản của họ. Sau này, công dân chỉ cần mang số căn cước này trong đó có số định danh, cơ quan Nhà nước truy cập vào số định danh sẽ ra thông tin công dân thay vì rất nhiều loại giấy tờ. Cơ quan công an vẫn quản lý bằng hộ khẩu, chỉ bỏ cách quản lý bằng thủ công như hiện nay sang quản lý bằng điện tử.
Về chứng minh nhân dân, Chính phủ đã cho phép cấp thí điểm căn cước công dân. Bộ Công an đã cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh. Theo luật Căn cước công dân, đến ngày 1/1/2020, 47 tỉnh còn lại sẽ cấp hết căn cước công dân với số định danh công dân. Bởi vậy, việc hiểu bỏ hộ khẩu, căn cước công dân là không đúng.
Từ nay cho đến khi Cơ sở dữ liệu về công dân hoàn thiện thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường.
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân.
Vì vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay.
- Người dân có nhu cầu nên tiếp tục quy trình cũ để làm hộ khẩu, sổ tạm trú... hay chờ có mã số định danh rồi làm một thể?
- Từ nay đến khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành, người dân vẫn tiếp tục làm tất cả các thủ tục đăng ký các thủ tục thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký chứng minh thư bình thường; không có gì thay đổi theo quy định hiện hành.
Việc đăng ký cư trú vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú. Do vậy, khi bạn chuyển đến nơi ở mới, bạn vẫn được cơ quan công an có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định.
- Nhiều người e ngại các chính sách về đất đai, y tế, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm… liên quan đến hộ tịch gia đình sẽ bị xáo trộn khi triển khai quản lý dân cư bằng mã số định danh?
- Bỏ sổ hộ khẩu nhưng quản lý hộ khẩu vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi.
Các quy định về đất đai, y tế, giáo dục có liên quan đến sổ hộ khẩu hoàn toàn không bị xáo trộn khi sử dụng phương pháp quản lý mới này mà nó còn tạo điều kiện cho công dân trong các giao dịch, đăng ký sử dụng.
- Nếu bỏ sổ hộ khẩu và giấy tờ ăn theo, việc nhập cư về các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM được dự đoán sẽ biến động thế nào?
- Mọi yêu cầu về cư trú, tạm trú không thay đổi. Mọi thủ tục vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Bạn vẫn phải thực hiện theo đúng Luật Cư trú, Luật Căn cước. Thậm chí muốn nhập hộ khẩu về Hà Nội, bạn còn phải theo Luật Thủ đô.
Thí dụ, Luật Thủ đô quy định cần phải có nghề nghiệp ổn định, phải tạm trú tại một địa điểm nhất định ba năm trở lên, diện tích nhà ở phải bảo đảm quy định…
- Khi nào thì công dân đi làm thủ tục hành chính không phải xuất trình sổ hộ khẩu giấy?
- Dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thiện theo đúng kế hoạch của Chính phủ giao cho các bộ ngành. Tuy nhiên việc xong sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn, vì để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần phải có 3.000 tỷ đồng.
Đến năm 2020, khi hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu này, thu thập đủ 15 trường thông tin của công dân thì khi đi giao dịch ngân hàng, bảo hiểm, hộ tịch...sẽ không phải mang sổ hộ khẩu nữa.
- Nếu có sai sót về thông tin nhân thân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân cần làm gì?
- Ngay khi nhập liệu đã phải có sự thống nhất chính xác, giữa chủ hộ và công an khu vực. Cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu gốc, nên ngay từ quá trình thu thập thông tin ban đầu, giữa chủ hộ và công an sở tại đã phải thống nhất, chuẩn hóa thông tin. Vì vậy, người dân cần phát hiện sai sót và đính chính ngay khi kê khai thông tin.
Khi công an xã, phường, thị trấn phát cho bạn tờ khai 15 trường thông tin của bạn và những người trong gia đình, nếu có sai sót gì giữa bạn và cán bộ công an, cần đối chiếu và sửa lại thông tin chuẩn ngay.
- Công dân có quyền truy cập để tìm hiểu thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thế nào?
- Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân được quyền được khai thác thông tin của riêng mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
Các cơ quan, bộ ban ngành tuỳ vào lĩnh vực của mình sẽ được khai thác những trường thông tin nhất định thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ Công an cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ cũng quy định những đơn vị nào được phép truy cập, khai thác tối đa 15 trường thông tin của công dân chứ không phải ban ngành nào cũng được khai thác hết. Việc này để đảm bảo tính bảo mật thông tin cho công dân.
- Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của người khác sử dụng vào những việc không tốt, Bộ Công an có biện pháp gì để ngăn chặn?
- Việc có người lợi dụng để khai thác thông tin cá nhân với ý đồ xấu cũng có thể không tránh khỏi trong thực tế. Tuy nhiên theo luật quy định, các cá nhân khai thác thông tin không phải của mình, phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như đã được phân cấp.
Những trường hợp khi muốn khai thác, mượn danh người khác phải đến cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu trình bày, cung cấp thẻ căn cước hoặc số định danh thì mới được khai thác thông tin. Nếu do bệnh tật hay một lý do nào đó mà không thể đến khai thác thông tin được thì có quyền ủy quyền theo luật đã quy định.