Daniel Hauer, thầy giáo tiếng Anh, giải thích rằng những điều anh chia sẻ không nhằm chê bai lối sống của người Việt hay tâng bốc lối sống của người Mỹ. Qua video được đăng tải trên YouTube, anh muốn chỉ ra những khác biệt giữa hai quốc gia.
Đi xem phim đẳng cấp
"Nếu bạn hỏi tôi địa điểm nào tại một thành phố bất kỳ của Mỹ tụ hội những người mặc đẹp nhất, tôi sẽ không thể trả lời. Thường người dân tại Mỹ chỉ ăn diện khoảng vài lần mỗi năm. Nhưng nếu được hỏi câu tương tự về Việt Nam, tôi chắc chắn đáp án là rạp chiếu phim", Dan chia sẻ.
Dan ngạc nhiên hơn khi nhiều người Việt còn chụp ảnh trước những tấm poster phim hay khung quảng cáo giống như đang tham gia một sự kiện lớn. Dan tiết lộ, vợ chồng anh họ của mình ở Mỹ có thể diện pijamas tới rạp chiếu phim vào Giáng sinh.
Chọn đồ ăn rất nhanh ở nhà hàng
Dan rất thích đồ ăn Việt Nam, nhưng đôi khi anh không thấy thoải mái khi đi ăn hàng. Nhân viên phục vụ tại nhiều nhà hàng ở Việt Nam thường có thói quen đứng đợi khách chọn đồ sau khi đưa menu. Trong khi, bồi bàn tại Mỹ sẽ đưa thực đơn cho khách và nói "tôi sẽ để ngài chọn đồ ăn trong ít phút" rồi đi ra chỗ khác.
Dan bày tỏ: "Tôi không chắc người Việt có khả năng phi thường để chọn đồ ăn trong nháy mắt, hay họ không ngại có người đứng nhìn chằm chằm khi quyết định gọi món. Nếu bạn làm cho một nhà hàng tại Việt Nam, hãy phục vụ theo kiểu Tây khi có khách nước ngoài, họ sẽ đánh giá rất cao điều đó".
Đèn giao thông đặt không đúng chỗ
Lần đầu tiên lái xe tại Việt Nam, Dan thấy khá thú vị nhưng cũng căng thẳng vì những người chở vật liệu cồng kềnh. Một số nhắn tin khi lái xe và cảm giác bối rối tìm đèn đỏ khi dừng xe giữa ngã tư đường.
Hệ thống đèn đỏ trên đường phố Mỹ nhìn từ ghế tài xế ôtô. Video: Youcar.
Dan nhận thấy vị trí lắp đèn báo hiệu hai bên đường, sát vị trí vạch kẻ đường sẽ khiến người tham gia giao thông khó quan sát, dù một số đoạn đường có lắp đặt đèn báo dừng (hình dấu cộng) phía đối diện.
Đại học phân ngành cụ thể
Trong 4 năm tại Hà Nội, Dan dạy rất nhiều học sinh và cảm thấy khó khăn để nhớ hết tên đại học của họ như Đại học Phòng cháy Chữa cháy, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công nghệ và Giao thông Vận tải... Mỗi trường đều có tên rất cụ thể để chỉ ngành đào tạo.
Trong khi đó, các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ thường có tên rất chung như Đại học Thành phố Columbia, Đại học New York, Đại học Fordham... Mỗi trường đều có nhiều khoa như kế toán, y khoa hay nghệ thuật.
Áo in hình cần sa
Một trong những điều hài hước với Dan khi sống tại Việt Nam là nhiều người mặc quần áo in chữ tiếng Anh lố bịch mà họ không hề hiểu. Em vợ của anh từng mặc một chiếc áo thun có chữ "Fat Dog" (Chó béo).
Kỳ lạ hơn là những bạn trẻ thích mặc áo in hình lá cần sa. Dan giải thích: "Tại Mỹ, bạn sẽ bị quy chụp là người hít cần sa và thích văn hóa sử dụng chất kích thích này. Vậy nếu bạn đến Mỹ và không muốn bị coi là kẻ nghiện ngập, hãy để những đồ dùng có in hình lá cần sa ở nhà".
Ăn pizza thêm sốt cà chua
Dan luôn tìm thấy pizza tại Việt Nam được phục vụ kèm sốt cà chua ketchup. Anh chia sẻ mình không thực sự thích ketchup, hơn nữa trong pizza đã có sẵn sốt cà chua trên đế bánh.
Dan nhận thấy việc rưới thêm sốt cà chua lên trên phần nhân bánh pizza cũng giống như việc chấm táo với mật ong, mặc áo mưa khi cầm ô hay mở một bộ phim cùng lúc trên laptop và tivi...
Số đẹp
Dan nhớ rất rõ khoảng thời gian anh mới học tiếng Việt, thích thú khi bắt đầu hiểu của những biển hiệu quảng cáo tại Việt Nam như cửa hàng kính mắt, điện thoại giá rẻ... Nhưng có một từ anh nghĩ mình không thực sự hiểu nghĩa: "số đẹp".
Nghe lời giải thích từ một người bạn Việt Nam, Dan càng cảm thấy kỳ lạ hơn khi có người sẵn sàng chi cả đống tiền để mua số đẹp vì người Mỹ mua điện thoại thường trả tiền, nhận điện thoại và số bất kỳ.
Hơn nữa, Dan nhận thấy những dãy "số đẹp" rất xấu vì khó nhớ. Ví dụ, khi đọc một số điện thoại như 01364888899, anh phải nhìn thật kỹ để đếm xem có bao nhiêu số 8.
Uống nước đá sẽ bị viêm họng
Dan cho rằng nhiều người nước ngoài sẽ cảm thấy khó hiểu khi đến chơi nhà ai đó và được mời một ly nước nóng. Nếu xin một cốc nước đá, Dan sẽ nhận được câu trả lời như "Dan uống nước lạnh là viêm họng đấy".
Anh chỉ ra viêm họng do virus hoặc vi khuẩn gây ra chứ không phải do nước lạnh như người Việt nghĩ. Nhiều người Mỹ vẫn hiểu nhầm cảm lạnh là bệnh do thân thể bị nhiễm lạnh, trong khi nguyên nhân là do virus đường hô hấp.
Theo Daniel Hauer