Đại văn hào Shakespeare (1564 - 1616) là một nhà văn và nhà viết kịch vĩ đại của Anh. Ông để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển như Romeo and Juliet, Hamlet, King Lear, Macbeth... Ông còn được biết đến là một người có tài sử dụng ngôn ngữ, biến hóa linh hoạt, ý tưởng dồi dào và đôi khi phá vỡ những quy tắc được xem là chuẩn mực.
Bên cạnh các tác phẩm để đời, ngày nay tiếng Anh vẫn sử dụng một số ý niệm, cụm từ được trích ra từ những vở kịch của Shakespeare như vài ví dụ dưới đây:
- Love is blind: Trong vở bi hài kịch "The merchant of Venice" (Thương nhân thành Venice), Jessica, con gái của thương nhân Shylock - nhân vật chính của câu chuyện đã thốt lên "But love is bind and lovers cannot see" (Nhưng tình yêu là mù quáng và các cặp tình nhân thì chẳng thấy gì". Cụm Love is blind ngày nay trở nên phổ biến và thường được xem như sự thật không thể chối cãi.
- Knock! Knock! Who's there?: Màn 2, cảnh 3 của tác phẩm bi kịch "Macbeth" có xuất hiện cụm từ này và ngày nay, "Cốc cốc, ai đấy?" được dùng làm mở đầu cho những trò trêu đùa.
- Green-eyed monster: Một trong 4 nhân vật trung tâm của vở bi kịch "Othello" là hiệu úy Iago đã lên tiếng cảnh báo tướng quân Othello về những kẻ được gọi là green-eyed monster (quái vật mắt xanh, ý chỉ người ghen tỵ, ghen tức với người khác).
- Wild goose chase: Nhân vật đề cập đến khái niệm mang nghĩa "đeo đuổi viển vông, một sự tìm tòi vô vọng" này chính là Mercutio, người bạn thân của chàng Romeo trong tác phẩm "Romeo and Juliet".
- The world is my own oyster: có nghĩa "thế giới của riêng mình, do mình thống trị", xuất hiện ở cảnh 2, màn 2 trong tác phẩm "The Merry Wives Of Windsor".
- Break the ice: cụm từ mang ý "bắt chuyện với ai để phá vỡ bầu không khí e dè ban đầu" ngày nay được sử dụng rất nhiều nhưng ít ai biết nó bắt đầu từ tác phẩm "The Taming of The Shrew" của Shakespeare.
- Make your hair stand on end: "sợ dựng tóc gáy" lần đầu xuất hiện trong vở "Hamlet". Cả cụm này có thể được thay thế bằng từ horripilation (sợ hoặc lạnh nổi da gà, dựng tóc gáy).
- In a pickle: cụm từ này đồng nghĩa với in trouble (gặp rắc rối) lần đầu được Shakespeare sử dụng trong vở kịch "The Tempest" (Giông tố).
Hải Khanh