Với việc xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp, Kim Dung được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp. Ông là một trong số ít tác giả châu Á có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, hơn nữa được chuyển thể nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua.
Phim võ hiệp Kim Dung trở thành dòng phim độc đáo, góp phần làm nên bản sắc của điện ảnh Hoa ngữ. Dưới đây là các tác phẩm của Kim Dung được đưa lên màn ảnh nhiều lần.
Tiếu ngạo giang hồ
Tác phẩm được bắt đầu viết năm 1967 và hoàn hành năm 1969. Bốn chữ Tiếu ngạo giang hồ được lấy từ câu trong tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Đây cũng là tên bản nhạc cầm tiêu hợp tấu được nhắc đến trong tác phẩm.
Tiếu ngạo giang hồ xây dựng nhân vật đậm cá tính và đặc sắc, xoay quanh đề tài ham muốn quyền lực mà đánh đổi tình bạn, tình thầy trò, tình yêu. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Lệnh Hồ Xung, chàng trai ngay thẳng, thông minh và mê uống rượu. Chàng có lối sống lãng tử, thích ngao du và không chịu bó buộc, tù túng. Từ một đệ tử của Nhạc Bất Quần, Lệnh Hồ Xung trở thành kiếm khách lẫy lừng, chống lại âm mưu tranh quyền đoạt vị để bảo vệ bản thân và người yêu.
Tác phẩm được chuyển thể thành phim ít nhất 13 lần. Mới đây nhất là bản điện ảnh do Trung Quốc đại lục sản xuất, dự kiến chiếu vào năm 2016.
Trong số các tác phẩm chuyển thể, được giới phê bình đánh giá cao nhất là loạt phim điện ảnh do Lâm Thanh Hà đóng Đông Phương Bất Bại. Ở mảng truyền hình, Lệnh Hồ Xung do Lữ Tụng Hiền thể hiện được xếp vào hàng kinh điển.
Anh hùng xạ điêu
Tác phẩm được công bố năm 1957, có bối cảnh đời Nam Tống, Trung Quốc. Nhân vật trung tâm là Quách Tĩnh - chàng trai có tài bắn chim điêu. Quách Tĩnh khù khờ, chậm hiểu nhưng trung hậu và giàu nghĩa hiệp. Nhờ "cần cù bù thông minh", chàng nắm được nhiều bí quyết võ thuật và ngày càng mạnh mẽ.
Trên đường phiêu bạt giang hồ, Quách Tĩnh gặp và yêu Hoàng Dung, cô gái tài trí hơn người, ứng biến nhanh nhạy. Cặp uyên ương quyết định vào sinh ra tử dù bị nhiều người phản đối và phải tranh đấu với nhiều âm mưu, thế lực.
Anh hùng xạ điêu từng ít nhất 9 lần được dựng thành phim. Chưa kể hai dự án mới đang được thực hiện. Một là phim điện ảnh do Trần Gia Thượng đạo diễn. Dự án còn lại là phim truyền hình, do Tưởng Mã Tuấn đạo diễn, khởi quay vào đầu năm 2016.
Ỷ Thiên Đồ Long Ký
Tác phẩm ra mắt năm 1961, gồm 40 chương. Tên tiểu thuyết nghĩa là "câu chuyện về kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long".
Truyện có bối cảnh thời nhà Nguyên, khi đang bị suy yếu vì các cuộc nổi dậy và sự xa hoa lãng phí của triều đình. Nhân vật trung tâm là Trương Vô Kỵ - chàng trai hay bị tác động bởi người khác. Chàng vướng vào mối tình phức tạp với bốn cô gái, bên cạnh đó là những âm mưu thủ đoạn tàn khốc trong giang hồ. Các phe phái tàn diệt lẫn nhau để có được hai báu vật kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long, vì lời đồn sở hữu báu vật thì có thể xưng bá thiên hạ.
Truyện từng ít nhất 10 lần chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình. Các tài tử Lương Triều Vỹ, Ngô Khởi Hoa, Mã Cảnh Đào, Tô Hữu Bằng... đều từng đảm nhiệm vai Trương Vô Kỵ. Bản Ỷ Thiên mới nhất do Vu Chính biên kịch, dự kiến khởi quay vào 2016.
Thiên long bát bộ
Tiểu thuyết gồm 50 chương, được bắt đầu đăng tải trên Minh Báo (tờ báo do Kim Dung sáng lập) từ năm 1963. Đây là tác phẩm viết trong thời gian lâu nhất của tác giả.
Câu chuyện xoay quanh ứng biến, lựa chọn của Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc trong thời thế loạn lạc. Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến quan hệ nhân quả giữa nhân vật với gia đình, dân tộc, đất nước. Truyện thể hiện hiểu biết và chiêm nghiệm của nhà văn với Phật giáo, được xếp vào hàng tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp văn chương của ông.
Tác phẩm từng được dựng thành phim ít nhất tám lần và gắn liền với các tên tuổi Lý Nhược Đồng, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Nhật Hoa, Hồ Quân, Lưu Đào...
Thần điêu đại hiệp
Thần điêu đại hiệp được xuất bản năm 1959, là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn Kim Dung. Tác phẩm xoay quanh tình yêu của Tiểu Long Nữ và Dương Quá giữa cuộc chiến tàn diệt nhau cả trong giang hồ lẫn trên chiến chường.
Thần điêu đại hiệp được Kim Dung chỉnh sửa nhiều lần. Bản mới nhất có nhiều điểm khác biệt so với bản đăng đầu tiên.
Tác phẩm được chuyển thể không dưới 10 lần và làm nên tên tuổi của Lý Nhược Đồng, Cổ Thiên Lạc, Lưu Diệc Phi, Trần Ngọc Liên...
Tuyết Sơn Phi Hồ
Ra đời năm 1959, tiểu thuyết kể về ân oán của bốn họ Hồ, Miêu, Phạm và Điền. Ân oán này kéo dài qua nhiều đời và được hóa giải vào thời đại của Hồ Phỉ - biệt hiệu là Tuyết Sơn Phi Hồ.
Trong số tiểu thuyết của Kim Dung, đây là tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất vì cách dẫn dắt câu chuyện lẫn cái kết bỏ ngỏ.
Tác phẩm được chuyển thể ít nhất bảy lần. Các tài tử Lữ Lương Vỹ, Mạnh Phi... từng đảm nhiệm nhân vật Tuyết Sơn Phi Hồ. Dự án phim truyền hình mới nhất được công bố năm 2015.
Thư kiếm ân cừu lục
Thư kiếm ân cừu lục là cuốn tiểu thuyết dài kỳ đầu tiên của Kim Dung, ra mắt lần đầu năm 1955. Truyện nói về tình yêu tha thiết, thủy chung của Trần Gia Lạc và Kha Tư Lệ (Hương Hương công chúa) - cô gái toát ra mùi hương đặc biệt khiến ai ngửi thấy cũng say đắm, quên hết sự đời. Càn Long dùng quyền lực và thủ đoạn ép nàng làm phi.
Có ít nhất 11 bản điện ảnh, truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết. Các người đẹp Dĩnh Nhi, Lương Bội Linh, Dư An An... đều từng vào vai Hương Hương công chúa.
Lộc Đỉnh Ký
Đây là tiểu thuyết võ hiệp cuối cùng của Kim Dung, sáng tác từ năm 1969 tới 1972.
Truyện xoay quanh cuộc đời Vi Tiểu Bảo - chàng trai xuất thân từ tầng lớp đáy xã hội và không phải người chính trực. Không biết chữ cũng chẳng biết võ công nhưng nhờ miệng lưỡi lanh lợi, đầu óc thực dụng mà Tiểu Bảo có được thành công, danh lợi và phụ nữ.
Lộc Đỉnh Ký được chuyển thể thành phim không dưới 10 lần. Các tài tử Lương Triều Vỹ, Trần Tiểu Xuân, Huỳnh Hiểu Minh... đều từng vào vai Vi Tiểu Bảo. Phim hài Lộc Đỉnh Ký do Châu Tinh Trì đóng chính cũng được nhiều khán giả yêu thích.
Như Anh