TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến cuối tháng 6 mở phiên xử phúc thẩm lần 4 vụ Tranh chấp di sản thừa kế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Phi cùng 6 anh chị em với bị đơn là ông Minh (người em trai thứ).
Một trong số 9 anh chị em không tranh chấp được xác định là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Bất thường xung quanh tờ di chúc
Theo nội dung vụ án, vợ chồng cụ Văn (đã mất) có 9 người con. Khi còn sống, vợ chồng cụ tạo lập và sinh sống trên khu đất hơn 9.600 m2 (có 300 m2 đất ở), sau đó căn nhà bị dỡ bỏ chỉ còn một số cây trồng.
Sau khi vợ chồng cụ qua đời, vợ chồng ông Minh (con trai thứ) trình "Tờ di chúc" lập ngày 15/2/2005 có nội dung được cha mẹ để lại toàn bộ diện tích đất trên, để làm thủ tục khai di sản thừa kế và sang tên cho mình.
Tiếp đó, ông Minh tách khu đất thành 3 thửa rồi chuyển nhượng cho người khác một thửa hơn 4.000 m2, tặng cho cháu ruột tên Ngọc (con của người chị sau này là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện) một thửa gần 1.000 m2. Những người được tặng và nhận chuyển nhượng đều đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Năm 2009, các anh chị em trong gia đình phát hiện có người lạ đến đổ đất, đóng cọc trên phần đất cha mẹ để lại thì mới biết ông Minh đã làm thủ tục nhận thừa kế toàn bộ di sản và đã chuyển nhượng cho người khác một phần. Cho rằng di chúc ông Minh đưa ra để hưởng di sản thừa kế không phải do cha mẹ mình viết và ký tên, nên bà Phi cùng 6 anh chị em đã khởi kiện ra TAND thị xã Bà Rịa, đòi chia di sản cho tất cả các đồng thừa kế.
Các nguyên đơn cho rằng, khu đất hơn 9.600 m2 là di sản của cha mẹ để lại và chưa chia thửa. Bản di chúc mà ông Minh đưa ra được lập không đúng cả về nội dung và hình thức, bởi khi lập di chúc không có mặt những người làm chứng mà chỉ khi lập xong mới mời hai nhân chứng là người cùng xóm đến ký.
Đối với phần đất ông Ngọc đang ở, các nguyên đơn cho rằng cha mẹ của họ chỉ cho ở nhờ chứ không phải là nhận chuyển nhượng; và giấy sang nhượng đất với ông Ngọc là giả.
Các nguyên đơn đề nghị được phân chia di sản thừa kế là khu đất cha mẹ để lại cho cả 9 anh chị em theo quy định của pháp luật và chi bằng hiện vật mỗi người hưởng một phần; đề nghị tòa án huỷ các giấy chứng nhận mà Sở Tài nguyên đã cấp cho ông Minh, ông Ngọc và người nhận chuyển nhượng một phần khu đất từ ông Minh.
Ngoài ra, năm 2016, phần đất trên bị UBND TP Bà Rịa thu hồi một phần còn hơn 9.000 m2 và đã đền bù hỗ trợ cho ông Minh hơn 201 triệu đồng. Do đó, các nguyên đơn đề nghị tòa chia đều phần tiền này cho cả 9 anh chị em.
Quá trình TAND thị xã Bà Rịa giải quyết vụ án, ông Minh trình bày, khi bố mẹ ông còn khỏe mạnh họ sống trên khu đất này. Từ năm 2004, bố mẹ già yếu nên ông đưa họ về nhà mình chăm sóc, giao đất cho Ngọc trông coi quản lý. Đến ngày 15/2/2005, cha mẹ làm di chúc để lại toàn bộ khu nhà đất cho ông, chứ ông không làm giả.
Theo bị đơn, việc cha mẹ lập di chúc được hai người hàng xóm làm chứng. Đến tháng 9/2005 cha mẹ ông tổ chức họp gia đình để thông báo cho tất cả các con biết việc lập di chúc cho mình thừa kế khu đất, đồng thời làm "Giấy cho nhà ở và đất". Mặt trước của "Giấy cho nhà ở và đất" có ghi nội dung cho ông Minh thừa kế toàn bộ khu đất và có chữ ký của ông bà, mặt sau là chữ ký của 8 người con (có một người không ký do không sống ở gần đó).
Do đó, ông Minh cho rằng mình "đương nhiên được hưởng toàn bộ di sản cha mẹ để lại". Thực tế, ông đã làm thủ tục khai di sản thừa kế và sang tên trên toàn bộ khu đất.
Trong khi đó, các nguyên đơn bác bỏ trình bày của ông Minh, cho rằng chữ ký trong "Tờ di chúc" ngày 15/2/2005 và "Giấy cho nhà ở và đất" ngày 15/9/2005 cũng như "Giấy sang nhượng" một phần khu đất cho ông Ngọc (người cháu, ngày 5/5/2003) không phải của cha mẹ mình. Bởi, đối chiếu với các chữ ký trong các văn bản trước đây có chữ ký của vợ chồng cụ Văn thì hoàn toàn khác. Hơn nữa, hai người hàng xóm được mời đến làm chứng khai "không trực tiếp nhìn thấy" vợ chồng cụ Văn ký tên vào di chúc mà chữ ký đã được viết sẵn trước đó.
Các nguyên đơn cũng cho rằng không có cuộc họp gia đình nào được tổ chức vào ngày 15/9/2005. Về chữ ký trên "Giấy cho nhà ở và đất", các nguyên đơn đều thừa nhận đó là chữ ký của họ, nhưng không phải ký tại cuộc họp gia đình như ông Minh trình bày. Bởi thực tế không hề có cuộc họp này, mà được ông Minh đưa tới tận nhà từng người để nhờ ký và nghe ông Minh nói để sửa nhà nên không để ý nội dung là gì.
Theo đó, phía nguyên đơn cho rằng tờ di chúc này không hợp pháp để làm căn cứ cho ông Minh thừa hưởng di sản, mà cần phải được chia đều cho các đồng thừa kế.
8 bản án mâu thuẫn nhau
Sau hơn hai năm thụ lý, ngày 29/5/2012, TAND thị xã Bà Rịa (nay là TP Bà Rịa) mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn vì cho rằng di chúc ngày 15/2/2005 được lập theo đúng quy định của pháp luật.
Không đồng ý với phán quyết này, các nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Hơn một năm sau, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử phúc thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn, hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại.
Năm 2015, TAND TP Bà Rịa xử sơ thẩm lần hai, vẫn giữ quan điểm như ban đầu - tức bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Năm tháng sau, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phúc thẩm lần hai tiếp tục hủy bản án này với lý do "chưa làm rõ tính hợp pháp của di chúc" do ông Minh đưa ra.
Ở lần xét xử sơ thẩm tiếp theo, tháng 4/2018, TAND TP Bà Rịa đồng thuận với cấp phúc thẩm trước đó - tức chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn; không công nhận tính hợp pháp của bản di chúc ngày 15/2/2005 ông Minh đưa ra. Tòa tuyên chia phần đất hơn 9.600 m2 vợ chồng cụ Văn để lại cho 9 người con và một người cháu là ông Ngọc.
Lần này, phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Đến tháng 10/2018, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phúc thẩm lần 3, tuyên bác toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn - trái ngược với bản án sơ thẩm, và có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, VKSND tỉnh Rà Rịa - Vũng Tàu sau đó đã đề nghị VNSND Cấp cao tại TP HCM ra quyết định kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vì bản án trên có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Trong đó, di chúc ông Minh đưa ra là "không đúng quy định của pháp luật" nên cần tuyên huỷ và chia di sản cho các đồng thừa kế.
Đầu năm 2020, VKSND Cấp cao tại TP HCM ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, theo theo hướng đề nghị TAND cùng cấp hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để làm rõ nhiều vấn đề.
Thứ nhất, năm 2011, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận chữ ký của vợ chồng cụ Văn trên bản di chúc và giấy cho nhà đất "là do cùng một người ký". Trong khi đó, Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an xác định chữ ký trên tờ di chúc, giấy cho nhà ở và đất so với mẫu chữ ký của cụ Văn trên các mẫu đối chứng "là khác nhau"; riêng mẫu chữ ký của cụ bà thì không đủ cơ sở để giám định.
Thứ hai, hai người làm chứng có lời khai không chứng kiến việc vợ chồng cụ Văn ký vào di chúc mà họ "đã ký sẵn, sau đó mới được mời làm chứng và ký tên". Do đó VKS cho rằng di chúc này không đảm bảo về hình thức theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ có hay không cuộc họp gia đình công bố nội dung việc để lại khu đất đang tranh chấp cho ông Minh để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo VKS, hồ sơ vụ án thể hiện, khi còn sống, vợ chồng cụ Văn đều chia cho các con mỗi người một phần nhà đất tương đương nhau và đã sử dụng ổn định. Riêng đối với 4 người con sau (trong đó có ông Minh) ngoài nhà cửa còn được chia thêm một phần đất ruộng. Ba người đã nhận, trừ ông Minh. VKS cho rằng, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng chưa làm rõ vấn đề này.
Hồi tháng 5/2020, Uỷ ban thẩm phán của TAND Cấp cao tại TP HCM đã xem xét giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị, tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 3 của TAND TP Bà Rịa và TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giao hồ sơ về cho TAND TP Bà Rịa xét xử lại từ đầu.
Giữ phán quyết ban đầu
Quá trình thụ lý giải quyết lại vụ án, TAND TP Bà Rịa tiếp tục trưng cầu giám định lại chữ ký trên di chúc của vợ chồng cụ Văn. Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận "không đủ cơ sở kết luận" chữ ký đứng tên vợ chồng cụ Văn trên các tài liệu giám định có hay không phải do cùng một người ký ra.
Hồi tháng 9/2023, TAND TP Bà Rịa xử sơ thẩm lần 4, giữ nguyên quan điểm như lần đầu tiên (năm 2012) - tức công nhận "Tờ di chúc", "Giấy cho nhà ở và đất" là hợp pháp, ông Minh được hưởng toàn bộ di sản; bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.
Theo HĐXX, các nguyên đơn đều thừa nhận khi còn sống vợ chồng cụ Văn đã phân chia cho các con mỗi người một phần tài sản là nhà đất tương đương nhau. Riêng 4 người con sau cùng thì được chia thêm một phần ruộng nhưng ông Minh chưa được nhận. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự từ chối cung cấp thông tin về việc này vì không liên quan đến yêu cầu khởi kiện. Do đó, việc xác minh có hay không sự việc nêu trên đều không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Hơn nữa, vợ chồng ông Minh là người trực tiếp chăm sóc cha mẹ lúc về già yếu, bệnh tật, nên việc được họ cho khu đất nói trên là phù hợp với thực tế. Do đó, có cơ sở khẳng định về mặt ý chí vợ chồng cụ Văn đã tự nguyên cho ông Minh được hưởng toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp. Ý chí này được thể hiện ở "Tờ di chúc" ngày 15/2/2005 và nhắc lại tại "Giấy cho nhà ở và đất" vào tháng 9 năm đó.
Về việc cơ quan giám định có nhiều kết luận khác nhau, theo tòa, các mẫu đối chứng đều là giấy viết tay không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên chưa đủ cơ sở pháp lý để khẳng định là của cụ Văn để làm căn cứ đối chứng với chữ ký trên các "Tờ di chúc" và "Cho nhà ở và đất". Do đó không thể căn cứ vào chữ ký trên kết luận giám định để khẳng định chữ ký ghi trên tờ di chúc là không phải của cụ Văn.
Không đồng tình với quan điểm của tòa sơ thẩm, các nguyên đơn tiếp tục kháng cáo.
Hải Duyên
*Tên các đương sự đã được thay đổi