Anh Nguyễn Xuân Hùng, 44 tuổi, ở Kim Mã (Hà Nội) là một người mù. Buổi đi chơi này là lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Mỹ, vợ anh, được mặc áo dài. 15 năm sau ngày kết hôn, họ mới được mặc đẹp, nắm tay nhau đứng chung một khung hình.
"Nghe mọi người nói, tôi đoán xung quanh đều là nam giới chụp ảnh cho vợ hoặc người yêu, tôi là người đàn ông duy nhất được vợ đưa đi chụp ảnh", người đàn ông quê Nghệ An nói.
Mặc chiếc áo dài trắng, chị Mỹ dắt tay chồng đi qua những luống hoa xác pháo đỏ tươi đến cánh đồng cúc vàng rực rỡ. Biết anh không nhìn được, chị mô tả hình dáng, màu sắc của từng loại hoa, cầm tay anh cùng chạm vào những cánh hoa mới nở để cảm nhận sức sống.
Hiếm khi đứng trước ống kính, hai vợ chồng có chút thẹn thùng khi được nhiếp ảnh gia hướng dẫn tạo dáng.

Vợ chồng anh Xuân Hùng chụp ảnh nhân ngày Quốc tế phụ nữ tại thung lũng hoa Hà Nội, chiều 7/3. Ảnh: Aloha Media
"Biết tin Hội người mù quận Thanh Xuân tổ chức hoạt động chụp ảnh ngoại cảnh cho hội viên nữ ngày 8/3, tôi nghĩ ngay đến vợ", anh Hùng nói. Từ ngày kết hôn, vợ anh - một người sáng mắt - vì bận bịu nên hiếm khi được giao lưu với bạn bè, ít chưng diện. Người chồng hy vọng qua chuyến trải nghiệm, vợ sẽ có những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp mà sau 15 năm kết hôn anh chưa thể làm cho chị.
Đây không phải lần đầu người đàn ông 44 tuổi tạo bất ngờ cho vợ. Những năm trước anh đều tự tay chuẩn bị hoa, quà tặng chị trong ngày 8/3. Mắt không thấy, sợ quà không đẹp anh thường nhờ xe ôm gần nhà chở ra tiệm hoa tươi, sau nhờ nhân viên tư vấn loại và màu sắc.
"Thời gian đầu, anh lo vợ không ưng bởi chỉ nhìn thấy toàn màu đen. Nhưng mọi món quà, lời chúc vụng về của chồng đều khiến tôi hạnh phúc đến bật khóc", chị Mỹ nói.
Trong nhóm người khiếm thị đi với Hùng hôm đó, vợ chồng ông Nguyễn Thế Vang (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị An (74 tuổi) ở Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân cũng được thợ ảnh hướng dẫn tạo dáng. Ông nhìn được mờ mờ, còn bà thì mù hẳn.
Lần đầu được chồng đưa đi chụp ảnh, bà An hồi hộp không ngủ được, thấp thỏm từ 5h dù trước đó kiên quyết từ chối bởi "có đi cũng chẳng nhìn thấy gì". Được chồng động viên, sau khích lệ "sẽ dùng đôi mắt còn lờ mờ của mình tả cho bà những gì còn nhìn thấy, dù chỉ là màu sắc của bông hoa", bà mới đồng ý.
Hiếm khi được trang điểm, mặc áo dài đứng trước ống kính, người phụ nữ 74 tuổi nói ngại, không biết chụp sao cho đẹp. Mọi hoạt động, cử chỉ tay chân cho đến nét mặt đều được các thợ ảnh hướng dẫn. "Tôi có chút ngại ngần, nhưng được chụp ảnh cùng chồng giữa thung lũng hoa lại thấy hào hứng. Biết chắc sẽ đẹp", bà kể.
Lấy nhau hơn 50 năm, ông Vang thường mua hoa hồng tặng vợ vào những dịp đặc biệt vì biết bà thích. "Tôi cũng chẳng nhìn thấy đâu, chỉ biết lấy tay chạm để cảm nhận, sau ngửi hương thơm vì bị mù bẩm sinh. Nhưng hạnh phúc nhất là nhận được thành ý từ chồng", bà An cười.
Vài năm gần đây, khi tuổi cao, sức khỏe yếu, ông Vang không thể tự đi mua hoa nên giao trọng trách cho các con.

Vợ chồng bà An và ông Vang trong buổi chụp ảnh tại thung lũng hoa Tây Hồ, Hà Nội, chiều 7/3. Ảnh: Aloha Media
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch hội người mù quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đây là lần đầu tiên Hội tổ chức chuyến đi chơi cho các hội viên, nhằm tôn vinh ngày Quốc tế phụ nữ, tạo hoạt động để mọi người được giao lưu, hòa nhập cộng đồng. Ban đầu nhiều hội viên nữ e ngại vì khiếm thị, không biết tạo dáng trước ống kính và sợ làm phiền người xung quanh. Nhưng sau khi được thuyết phục, 42 người, đa phần là nữ giới đồng ý tham gia.
"Ngoài các chị em được chồng tặng hoa, trong hội còn nhiều người độc thân nên chúng tôi cũng muốn làm một điều gì đó đặc biệt để mọi người thêm tự tin", ông Thành cho biết.
Cách Hà Nội gần 1.500 km, ngày 8/3 mọi năm, anh Thái Duy Đức, ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đều tự lái xe ba bánh đi mua hoa, dù bản thân bị liệt. Nhưng năm nay, người đàn ông 32 tuổi chưa kịp chuẩn bị quà bởi gia đình bận rộn với đứa con đầu lòng chào đời hồi cuối tháng 2.
"Với tôi, đây có lẽ là món quà tuyệt vời nhất mà chồng đã dành tặng", chị Bùi Thị Chinh, 31 tuổi, vợ anh Đức nói. Cách đây 8 năm anh bị tai nạn, liệt từ bụng trở xuống, không có khả năng chăn gối. Để có con, hai vợ chồng được một bệnh viện ở TP HCM hỗ trợ thụ tinh ống nghiệm.
Đức nói sẽ tự tay chuẩn bị một bữa ăn tặng vợ con thay vì hoa, quà như năm trước. "Đợi đến khi cô ấy hết cữ, con cứng cáp, tôi sẽ tổ chức bù", anh Đức nói.
Còn với anh Xuân Hùng, dù chỉ là một bông hoa hay chuẩn bị bữa cơm đơn giản cũng khiến vợ ấm lòng. "Tôi sẽ tìm ra cách để người phụ nữ của mình được hạnh phúc", người đàn ông 44 tuổi nói.
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn