![]() |
Đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đang bày tỏ những bức xúc trong công tác xuất khẩu lao động. |
Theo ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco), tình trạng lao động, tu nghiệp sinh tự ý bỏ ra ngoài làm việc hoặc ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng diễn ra khá phổ biến tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây hiện là hai đối tác tiềm năng hàng đầu trong thị trường xuất khẩu của Việt Nam. "Dù có ký quỹ hoặc tiền thế chân cao đến bao nhiêu cũng không giải quyết được tận gốc vấn nạn. Vì chỉ cần trốn ra ngoài làm việc tự do một thời gian là họ sẽ kiếm đủ tiền bù lại. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu tới kế hoạch tuyển dụng tiếp theo của các đối tác", ông Ninh lo ngại.
Ông cũng cho biết thêm, Malaysia và Đài Loan là 2 thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động lớn, phù hợp với chất lượng nhân lực xuất khẩu Việt Nam nhưng không hấp dẫn được người lao động thành phố. Vì thế, công ty phải tốn nhiều công sức và chi phí cho việc tư vấn và tuyển dụng lao động ở các tỉnh.
Về công tác xuất khẩu lao động chung trên địa bàn, ông Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cho biết, người bỏ ra ngoài làm việc hoặc tự ý ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng chiếm 8-10% tổng số lao động xuất khẩu trên địa bàn. Vì thế, Đài Loan đã ngưng nhận lao động Việt Nam từ sau 20/1, Malaysia thông báo ngưng nhận và ân hạn cho lao động Việt Nam đến hết tháng 3. Nhật Bản cũng sẽ ngưng nhận tu nghiệp sinh Việt Nam nếu tình hình không được cải thiện. Đồng thời, nhiều đơn vị dịch vụ xuất khẩu nhân lực đã phải trả tiền phạt nặng cho đối tác do lao động vi phạm hợp đồng.
Theo nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này, sức cạnh tranh của nhân lực xuất khẩu Việt Nam hạn chế hơn một số nước trong khu vực. Do đại đa số người lao động chỉ có trình độ tối đa là PTTH, sức khỏe hạn chế, kỷ luật lao động kém... Thực tế, nhiều lao động sang nước bạn 1-2 năm sau mới quen việc. Tại Hàn Quốc, một số trường hợp đã bị đột tử do không chịu được công việc nặng nhọc.
Một bức xúc nữa được cũng được các chuyên gia nêu ra là người lao động hết hạn hợp đồng khó tìm được việc làm phù hợp trong nước. Mỗi năm TP HCM có khoảng 2.000 người hoàn thành hợp đồng hợp tác lao động nước ngoài trở về. Đây là nguồn nhân lực đã đáp ứng các tiêu chí đặt ra cho hợp tác xuất khẩu lao động như: có kinh nghiệm chuyên môn, phong cách làm việc công nghiệp... Nhưng chưa đến 20% tiếp tục được làm đúng việc tại quê nhà, còn lại thất nghiệp hoặc chờ việc làm.
Trước những bức xúc trên, theo bà Phạm Phương Thảo, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, thành phố hiện mới có 4 thị trường xuất khẩu chính là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Ngành nghề chủ yếu là dệt may, điện tử, cơ khí, giúp việc nhà. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến người lao động làm sai hợp đồng là do công việc quá nặng nhọc nhưng đồng lương chưa thực sự thỏa đáng. Đồng lương mà đối tác trả hiện có thể tương đối cao so với thu nhập ở Việt Nam nhưng so với giá nhân công nước bạn thì lại thấp. "Tôi từng thấy ở Anh, sinh viên Việt Nam làm thêm sau giờ đi học, công việc phổ thông nhẹ nhàng mà đủ tiền nộp học phí, mua xe hơi. Các dịch vụ việc làm nên mở rộng thị trường, thương thảo với đối tác để xuất được nhiều lao động hơn và sức lao động cũng có giá tương xứng hơn", bà Thảo nói.
Còn theo ông Phan Anh Minh, một thành viên của đoàn, khi nhà cung cấp nhân lực xác định hướng đến thị trường nào thì phải có chiến lược đào tạo trước cho thị trường đó. "Lao động xuất khẩu cũng là một hàng hóa, hàng hoá đặc biệt nên nó không nằm ngoài quy luật cạnh tranh. Về lâu dài phải nâng cao chất lượng lao động mới bảo đảm chữ tín, thương hiệu", ông Minh nhận định. Cũng theo ông Minh, các trung tâm đào tạo của dịch vụ xuất khẩu lao động cần chú trọng trau dồi cho người lao động kiến thức liên quan tới phẩm chất, kỷ luật, văn hoá, xã hội... của nước mà họ sẽ đến làm việc. Còn kiến thức chuyên môn, các trung tâm này nên liên kết với những đơn vị có chức năng chuyên đào tạo kỹ thuật, đào tạo nghề. Như thế mới tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, chi phí cao mà không mang lại hiệu quả như ý.
Thanh Lương