Ngày 22/9, Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho biết như trên và thêm rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư vú tăng nhanh trên toàn cầu. Năm 2020, nước ta ghi nhận 21.555 ca mắc mới và hơn 9.300 ca tử vong vì ung thư vú. Do đó, cách phòng, tầm soát, sàng lọc và điều trị hiệu quả là vấn đề quan trọng để giảm nguy cơ mắc, tử vong.
Tiến sĩ Lê Thanh Đức, phụ trách cơ sở Phan Chu Trinh, Trưởng Khoa Nội vú - phụ khoa, khuyến cáo tầm soát ung thư vú định kỳ là phương pháp quan trọng nhất để phòng ngừa hoặc phát hiện bệnh sớm. Thời gian qua, số người chủ động tầm soát ung thư vú tăng đáng kể.
"Nhiều người phát hiện bệnh khi chưa tới 30 tuổi, đa phần chủ động đi khám sớm vì vậy hiệu quả điều trị rất cao. Nhiều trường hợp sau phẫu thuật không cần điều trị thêm, chỉ theo dõi tái khám định kỳ", ông Đức nói và cho biết phát hiện càng sớm thì điều trị càng đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém về kinh phí. Hiện nay tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, ở mức trên 70%.
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể đạt tới 100% nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0). Tỷ lệ này giảm còn 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và 25% ở giai đoạn IV. Điều này cho thấy sàng lọc phát hiện sớm ung thư là việc nên làm nếu muốn kiểm soát căn bệnh này.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú gồm: Sờ có khối u ở vú, hoặc vùng xung quanh như dưới nách; vú thay đổi về hình dạng và kích thước vùng da ở ngực; núm hoặc quầng vú xuất hiện vảy, đỏ hoặc sưng. Ngoài ra, các dấu hiệu khác như núm vú bị tụt, đau nhức; tiết dịch hoặc dịch có lẫn máu ở đầu vú...
Ung thư đang là một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Bệnh viện K mỗi năm phẫu thuật trên 23.000 bệnh nhân, điều trị hóa chất và xạ trị khoảng 20.000 ca. Hiện, số lượng bệnh nhân khám tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ, trung bình hơn 2.000 người mỗi ngày.
"Bệnh viện có 2.400 giường bệnh, chúng tôi cố gắng đáp ứng song vẫn xảy ra tình trạng quá tải", ông Quảng nói và đánh giá phát hiện, điều trị bệnh sớm sẽ giảm gánh nặng hệ thống y tế.
Theo bác sĩ Trần Văn Dũng, Bệnh viện K, khoảng 900 cơ sở y tế trên cả nước có chuyên khoa ung thư. Trong Kế hoạch quốc gia phòng bệnh không lây nhiễm năm 2022, các tỉnh thành cần xây dựng chỉ tiêu chỉ số phòng chống ung thư. Ông Dũng đánh giá hiện nhân lực và công tác phòng chống ung thư vú ở tuyến trung ương cơ bản đã đáp ứng; tuyến tỉnh thiếu cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, tuyến huyện và xã gần như là khoảng trống, chưa thực hiện.
"Hoạt động sàng lọc ung thư vú đã được triển khai nhưng chưa toàn diện, bệnh nhân chưa được tư vấn, theo dõi dài ngày sau sàng lọc", bác sĩ Dũng nói. Từ thực trạng này, Bệnh viện K xây dựng dự án Tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ung thư vú, thí điểm ở Bắc Ninh để xây dựng mô hình cho địa phương khác.
Bà Karina Ng., Giám đốc Novartis Việt Nam, cho biết dự án có ba mục tiêu chính gồm: Đào tạo cán bộ y tế; xây dựng tiêu chuẩn về sàng lọc, phát hiện sớm và triển khai sàng lọc cho nhóm dân số có nguy cơ cao. Cuối cùng là thành lập và tiêu chuẩn hóa ghi nhận ung thư vú. Dự án được triển khai trong hai năm 2022-2023, các chuyên gia hy vọng đây là mô hình quản lý bệnh ung thư áp dụng cho tất cả tỉnh thành.