Theo tổng hợp chiều 30/9 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đã có 74 người chết, 12 người mất tích và 179 người bị thương. Hơn 6.000 ngôi nhà bị sập, trôi; 170.000 nhà và khoảng 500 trường học bị hư hỏng, ngập nước; gần 53.000 hộ dân phải di dời...
Quãng Ngãi, nơi tâm bão đi qua bị thiệt hại nhiều nhất với 22 người chết, 4 người mất tích và 84 người bị thương. Toàn tỉnh có 400 nhà sập hoàn toàn, gần 12.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 200 trường học bị hỏng, ngập... Cúp điện liên tục khiến 5.000 tấn thủy sản trữ trong kho lạnh có khả năng bị hỏng toàn bộ. Tổng thiệt hại ước tính 1.500 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, mực nước các sông đã xuống, song khá chậm. Hơn 160 hộ dân bị cô lập giữa biển nước mênh mông tại huyện Bình Sơn và Nghĩa Hành cũng đã được lực lượng cứu hộ tiếp cận. Tuy nhiên, hiện còn 2 tàu đánh bắt xa bờ, với 29 người chưa có thông tin liên lạc.
Nhiều nơi, nước vẫn ngập tới gần mái nhà. Ảnh: Trí Nguyễn.
Kon Tum
nằm ngay cạnh Quảng Ngãi cũng mất đi 21 người và còn 2 người mất tích. Chừng 500 ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái, xiêu vẹo; 1.000 ha lúa bị ngập, đổ. Địa phương này ước tính thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.Trong khi đó, Quảng Nam xác nhận 5 người chết, hơn 5.000 nhà bị sập cùng 200.000 nhà bị ảnh hưởng. Hơn 1.000 ha lúa hè thu chưa kịp gặt đã mất trắng, chưa kể số lúa trong nhà đã bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Hiện, nhiều khu vực trong tỉnh vẫn còn ngập lụt.
Mức nước tại Bình Định đã xuống dưới mức báo động 1. Tuy nhiên, tỉnh đã có 6 người chết, 3 người mất tích, 29 người bị thương. Cơn bão khiến 200 nhà và 3 phòng học sập hoàn toàn, hơn 6.000 nhà tốc mái khiến 800 tấn lúa giống ướt, 62 tàu thuyền chìm, 110 ha hồ tôm bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính 115 tỷ đồng.
Cũng có 6 người thiệt mạng và 23 người bị thương, Thừa Thiên - Huế thống kê hơn 150 nhà sập cùng hơn 70.000 nhà bị hư hại... gần 14.000 hộ dân đã phải di dời. Ước tính thiệt hại của địa phương này là hơn 200 tỷ đồng.
Ở Phú Yên, các sông dao động quanh mức báo động 2. Toàn tỉnh có 1 người chết, 3 người bị thương, 32 nhà sập hoàn toàn, hơn 130 ha hoa màu, 40.000 cây ăn quả bị tàn phá... ước tính thiệt hại 34 tỷ đồng.
Đường giao thông về nhiều xã bị sạt lở nên cô lập hoàn toàn. Ảnh: Báo Quảng Nam.
Sáng 30/9, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ
, sau khi gửi lời thăm hỏi và chia buồn đến các gia đình có người bị chết, bị thương và thiệt hại về tài sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh bị ảnh hưởng của bão tập trung mọi nguồn lực thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả bão, lũ; tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm nước uống, quần áo cho nhân dân vùng bị cô lập.Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo đơn vị chức năng giúp các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ khắc phục hậu quả; khôi phục giao thông, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập thủy lợi; đánh giá tình hình thiệt hại của các địa phương, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho các tỉnh thiệt hại nặng.
Ngày 30/9, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kêu gọi các địa phương vận động cán bộ, tổ chức, cá nhân ủng hộ, trợ giúp đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống sau cơn bão số 9. Tiền, hàng cứu trợ sẽ được Hội chữ thập đỏ chuyển trực tiếp tới nhân dân các vùng bị ảnh hưởng. Đợt vận động này kéo dài tới hết tháng 10. Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ đồng bào vùng bão, xin gửi: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (số 82, Nguyễn Du, Hà Nội) hoặc cơ quan đại diện phía Nam (số 201 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP HCM) Tài khoản số 124 02 02 005 348 (VNĐ) tại Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, chi nhánh Hoàng Mai (813 đường Giải phóng, Hoàng Mai, Hà Nội). |
Nhóm phóng viên