Chia sẻ tại tọa đàm về cách tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ, tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho biết, 73% doanh nghiệp đang hoạt động chưa bao giờ có quan hệ tín dụng với ngân hàng, đồng nghĩa với việc chỉ khoảng 25% có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp cao nhưng khả năng tiếp cận còn hạn chế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 810.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động; đến 98% trong số này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, mức vốn thấp, khả năng về mặt tài chính cũng thấp. Trong đó, 65% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp ít.
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp khá lớn nhưng lại không khả thi. "Mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới nhưng cũng có 50.000-60.000 doanh nghiệp rút lui. Các doanh nghiệp này không đủ vốn để duy trì hoạt động, cũng không tiếp cận được các nguồn vay. Một phần nguyên nhân vì họ chưa thiết lập được lịch sử tín dụng có tính thuyết phục với tổ chức cho vay hay ngân hàng", ông Bình lý giải.
Cũng theo chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp nhỏ hoạt động tự phát, không có chiến lược cụ thể, thiếu cách tiếp cận nguồn vốn sản xuất. Do đó, khi gặp phải khủng hoảng, khả năng chống chịu càng kém, nhu cầu vốn càng tăng. Tuy nhiên, đa số không thể tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ. Đây là ngành khó đảm bảo tài sản về mặt thế chấp, chưa kể hệ thống sổ sách, tính thiếu minh bạch trong quá trình hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, sổ sách kế toán chưa đảm bảo.
"Phần lớn doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện đúng chuẩn mực kế toán Việt Nam, yêu cầu về kiểm toán. Điều này gây nên khó khăn khi chứng minh lịch sử tín dụng, độ tín nhiệm về mặt tín dụng khi tiếp cận vốn vay", ông Lê Duy Bình cho biết.
Cơ hội bứt tốc nhờ vốn vay không tài sản bảo đảm
Dù gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng các chuyên gia cũng đánh giá, những cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp nhận ra điểm yếu, hạn chế, từ đó có bước khắc phục và chuẩn bị để tiếp cận nguồn vốn vay.
Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Bình, bà Vũ Thị Phương - Giám đốc Phân khúc khách hàng doanh nghiệp SSE Ngân hàng MSB, cho biết, doanh nghiệp cần đánh giá lại tiềm lực nội tại cũng như sản phẩm dịch vụ, định hướng chiến lược kinh doanh để có bước đi phù hợp. Bà Phương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc số hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Lê Duy Bình cũng chia sẻ ba hình thức vay tín dụng cho doanh nghiệp thường gặp hiện nay. Phổ biến là cho vay dựa trên tài sản thế chấp. "Có 40% những khoản vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên tài sản thế chấp là đất và tài sản trên đất", ông nói. Ngoài ra, có bảo lãnh tín dụng, nhưng kênh này chưa phổ biến tại Việt Nam. Hình thức cuối cùng được chuyên gia đề cập là cho vay tín chấp, dựa trên uy tín, mức độ tín nhiệm về tín dụng của doanh nghiệp (độ khả tín về tín dụng). Giải pháp này giúp giải quyết khó khăn về tài sản thế chấp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Kiến nghị giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn ngân hàng, Tiến sĩ Bình cho biết doanh nghiệp phải chủ động xây dựng hồ sơ tài chính vững mạnh dài hạn với ngân hàng mình tiếp cận song song với chiến lược chuyển đổi số. Về phía ngân hàng, chuyên gia đề nghị, tổ chức tài chính cần thay đổi, nới lỏng điều kiện cho vay.
"Thứ nhất là chuyển cho vay tài sản thế chấp sang độ khả tín thông qua các thông tin khác. Thứ hai là, ngân hàng cần điều chỉnh các sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các lĩnh vực khác nhau, tư vấn theo lộ trình, đồng hành cùng khách hàng trong thời gian dài. Các ngân hàng cũng cần đổi mới công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật, hỗ trợ doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa. Các ngân hàng cũng có thể lựa chọn hình thức cho vay theo chuỗi dựa trên chuỗi giá trị hoặc chuỗi cung ứng...", chuyên gia đề xuất.
Đại diện MSB, bà Phương chia sẻ, hiện, ngân hàng có gói vay tín chấp SSE dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hạn mức đến 500 triệu; 100% tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Khách hàng có thể vay với đa dạng mục đích sử dụng, từ bổ sung vốn lưu động, thấu chi, đến thẻ tín dụng doanh nghiệp... Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đăng ký vay online, giải ngân trong vòng 24 giờ nếu hồ sơ đủ điều kiện. Nhà băng cũng miễn phí mở tài khoản doanh nghiệp 100% online, tặng tài khoản số đẹp... Doanh nghiệp có thể tra cứu hạn mức tín dụng tại đây.
"MSB đang nỗ lực tinh giản quy trình, phân quyền cho giám đốc chi nhánh, chủ động phê duyệt hồ sơ khách hàng, giải ngân nhanh, đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp", bà Phương nhấn mạnh.
Huyền Anh