Huỳnh Thị Kiên (Xu Kiên), 30 tuổi, blogger du lịch, viết báo và sách, vừa chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á vào đúng sinh nhật. Chị chia sẻ những cảm xúc và kinh nghiệm trong hành trình với độc giả VnExpress.
Tháng 8 tiết trời trên đỉnh Kinabalu như mùa thu Hà Nội. Tôi đứng trên nóc nhà Đông Nam Á nhìn xuống, xung quanh là những áng mây trôi. Tôi nhắm mắt nghe tiếng những người ngoại quốc thủ thỉ, tiếng gió, tiếng núi rừng Malaysia... Đó là lần đầu tiên tôi đăng ký leo núi một mình ở nước ngoài.
Kinabalu được xem là đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á với độ cao 4095,2 m. Thực chất, đó là ngọn núi cao thứ 5 trong khu vực, nhưng 4 ngọn núi cao hơn nằm trong khu bảo tồn nghiêm ngặt và không được khai thác du lịch. Vì vậy Kinabalu nghiễm nhiên được xem là nóc nhà của Đông Nam Á có thể tiếp cận. Núi Kinabalu toạ lạc tại công viên quốc gia Kinabalu, thuộc bang Sabah, phía đông của Malaysia trên đảo Borneo.
Thức dậy tại resort của công viên Kinabalu, tôi di chuyển xuống nhà hàng Liwagu để ăn sáng. Đến 7h30, tôi được lái xe của nhà hàng chở xuống quầy đăng ký. Tại đây, tôi làm thủ tục check out và nhận bữa trưa đóng gói do nhà hàng chuẩn bị cho người leo núi.
Đợi 2 phút thì Lerry, tour guide dẫn tôi đi leo núi Kinabalu cũng xuất hiện. Anh đưa một chiếc thẻ leo núi mang tên tôi. Xe chở chúng tôi từ quầy đăng ký đến nơi leo núi. 7 giờ 45 phút, chúng tôi chính thức bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh Kinabalu. Vạch xuất phát là cổng Timpohon, đây cũng là km 0 với độ cao 1.866 m, leo đến km 8,5 thì đến đỉnh. Những bước đi đầu tiên của tôi thật dễ dàng, chỉ cần bước qua những bậc thang gỗ kiên cố đã được làm sẵn.
Đến km 2,5, những bậc thang kiên cố được thay thế bằng những cụm đá to nhỏ. Ở km 3 thuộc độ cao 2.455 m, sau khi đã vượt những tảng đá lớn, chúng tôi dừng lại để ăn trưa. Km 4,5 thuộc độ cao 2.898 m, những khung cảnh hùng vĩ xuất hiện. Đó là những rừng dầu, rừng đỗ quyên, rừng lá kim sắc xanh và đỏ. Bức tranh phong cảnh ở đây đẹp tựa chốn thiên đường. Thảm động thực vật ở rừng Kinabalu thật đa dạng. Ở đây, tôi bắt gặp loài phong lan, loài bắt mồi Nepenthes rajah, chim nhỏ, sóc...
Gần đến km 5,5, sức của tôi bắt đầu đuối. Quá nhiều cụm đá đen lẫn vàng chen chúc nhau. Tôi vừa đi vừa thở hổn hển. Càng lên cao, không khí càng lạnh và trời bắt đầu mưa. Gió lạnh ngắt, thổi như vũ bão vào mặt những người leo núi.
Đúng 14h, tôi cũng đặt chân đến km 6. Đây cũng là nhà hàng Laban Rata, nằm ở độ cao 3.272,7 m, nhà hàng to nhất nằm trên ngọn núi này. Họ phục vụ bữa ăn tối từ 16h đến 19h. Nên sau khi check in xong, tôi xuống ăn tối.
Tôi đã tiện làm quen được với ba người bạn quê ở Sabah, Malaysia. Đây là lần thứ ba họ leo đỉnh núi này. Chiều, chúng tôi dắt nhau xuống cột cờ của Laban để ngắm hoàng hôn. Khoảnh khắc hoàng hôn ở Laban đẹp đến lịm người. Phía đằng trước là biển mây, phía sau là núi đá hùng vĩ. Cái giá lạnh chợt tan biến bởi sự xuất hiện của hai chiếc cầu vồng trên nền trời xanh thẳm. Mặt trời ở đằng xa xa cũng đang toả ra những tia nắng dung dị, hắt vào khuôn mặt rạng rỡ của mỗi người leo núi. Chúng tôi nắm lấy tay nhau, vẫy tay trong hoàng hôn mờ ảo. Hành trình càng khó khăn, chúng ta sẽ càng gặp được những người bạn đặc biệt. Khoảnh khắc ấy thật quý hơn vàng.
Một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã nhờ tôi chụp ảnh. Hai người họ nắm lấy tay nhau, nhìn nhau thẹn thùng như lần đầu hẹn hò. Tôi thì muốn nhiều hơn một cái nắm tay, nên tôi nhanh nhảu hỏi "Bạn có muốn hôn không?". Và rồi họ đã hôn nhau dưới ánh mặt trời đỏ rực.
2h sáng của ngày tiếp theo, sau khi đã ăn sáng xong, tôi cùng Lerry tiếp tục hành trình. Từng đoàn người xuất phát từ nhà hàng Laban Rata. Mỗi người đều trang bị cho mình một chiếc đèn pin để soi chiếu đường đi. Có lẽ, mới sáng sớm mà đã leo núi nên nhiều người không leo nỗi. Tình trạng "kẹt xe trên núi" đã xuất hiện. Chúng tôi cứ leo lên một bậc thang gỗ là phải chờ đợi những người đi trước.
Càng lên cao, những bậc thang không còn. Thay vào đó chỉ có đá và đá. Con người cứ thế, bám vào dây thừng và lao về phía trước. Trên trời ánh trăng sáng, dưới đất những đoàn người nối đuôi nhau y hệt như những con đom đóm đang bay lập loè trong đêm.
Tôi mệt, thở hổn hển. Đến km 7, đá càng ngày càng dốc. Cây gậy leo núi lúc này vô tác dụng. Lerry dừng lại, bảo tôi đưa gậy cho anh ấy cất. Tôi dùng cả hai tay, nắm chặt lấy dây thừng để bước tiếp.
Càng lên cao, không khí càng loãng nên đầu tôi cứ ong ong và khó thở. Tôi mệt, ngồi bệt luôn dưới sườn đá. Uống lấy uống để nước cho đỡ mệt. Lerry dường như biết tôi khó leo được nữa nên anh xoè tay nắm lấy tay tôi. Thế là Lerry kéo tôi từ độ cao 3.929 m lên đến đỉnh.
Sau rất nhiều nỗ lực, hai bắp chân tôi đã tê cứng, hai tay tôi run run và rất rất nhiều sự giúp đỡ của Lerry thì 6h10, đôi bàn tay nhỏ xíu của tôi đã chạm được đỉnh Kinabalu, sau ba ngày. Tôi lôi ngay cuốn sách "Nhắm mắt đi liều" đã xuất bản và lá cờ Việt Nam ra check in đỉnh.
Đỉnh núi cao nhất ở Kinabalu là Low’s Peak. Trên đỉnh có tấm biển ghi dòng chữ "Đỉnh Kinabalu, Low’s Peak - 4095,2 m". Đằng sau là hàng cọc chăng dây kín để giữ sự an toàn cho người leo núi. Đứng từ trên đỉnh nhìn xuống, những vách đá xù xì đen thẫm. Phía xa xa, mặt trời đỏ từ từ "hôn" nhẹ lên những tảng đá. Đường chân trời và núi đá giao thoa hoà quyện làm một. Tôi đã hét thật to bằng tiếng Việt rằng "Tôi hạnh phúc quá".
Đường lên núi lúc sáng mờ ảo trong sương. Nhưng đường xuống núi lại khiến tôi choáng ngợp. Tôi mở tròn mắt để ngắm biển mây trắng cuộn tròn và bồng bềnh trước mặt, núi đá sừng sững. Những thảm thực vật chen nhau vươn mình. Tôi thở một hơi dài thật dài rồi hiểu: Hiện diện của sự giàu có là những toà nhà cao chọc trời, nhưng hiện diện của cái đẹp lại là thiên nhiên hoang dã.
Đây là ngọn núi đẹp nhất tôi từng leo!
Thông tin thêm về tour leo Kinabalu
Kinabalu là đỉnh núi khá nổi tiếng, vì vậy muốn leo, bạn phải book tour trước 6 tháng. Tôi book tour thông qua Lawrence SU thuộc Công ty Du lịch Sanctuary Borneo, đã hoạt động 30 năm ở Kota Kinabalu.
Giá tour trọn gói cho người nước ngoài leo 3 ngày 2 đêm là 2.535 Ringgit (gần 14 triệu đồng).
Để leo núi, cần chuẩn bị:
- Gậy leo núi (Chỉ nên mang một cây)
- Đèn pin (Ngày thứ ba thức dậy lúc 2h sáng và leo nên rất cần đèn pin)
- Giày leo núi có độ bám tốt
- Balo, áo mưa, túi chống mưa
- Áo ấm, găng tay cho mùa đông vì trên đỉnh rất lạnh
- Bánh kẹo, đồ ăn vặt, nước vì đi đường rất đói
- Kit test Covid (Người leo núi cần test một ngày trước khi leo)
- Sạc pin dự phòng rất cần thiết vì trên nhà hàng Laban Rata điện rất yếu.
Có hai loại giấy chứng nhận. Giấy màu dành cho những người leo lên và xuống thành công. Giấy đen trắng dành cho những người tham gia tour leo núi nhưng không lên đến đỉnh. Chi phí để lấy giấy chứng nhận giá 10 Ringgit.
Bài và ảnh: Xu Kiên